Văn phòng tổng thống Ukraine ngày 13/9 công bố một tài liệu dự thảo với tựa đề "Hiệp ước an ninh Kiev về đảm bảo an ninh quốc tế cho Ukraine: Những khuyến nghị".
Chiến sự Nga và Ukraine vẫn đang diễn ra quyết liệt và chưa có dấu hiệu sẽ sớm dừng lại (Ảnh minh họa: AFP).
Tài liệu được trình bày bởi nhóm công tác về cơ chế đảm bảo an ninh quốc tế cho Ukraine, Chánh văn phòng dinh tổng thống Ukraine Andrey Yermak và cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen.
Theo Sputnik, đây là đề xuất đảm bảo an ninh mà Ukraine mong muốn có được sau khi chiến dịch quân sự của Nga kết thúc.
Theo Tass, tài liệu dự thảo do Kiev công bố không đề cập tới các điều khoản về tình trạng trung lập của Ukraine, cũng như sự tham gia của Nga vào danh sách các nước đảm bảo an ninh cho Kiev.
Cụ thể, đề xuất trên đề nghị cần phải có một văn kiện an ninh ràng buộc mang tên Hiệp ước an ninh Kiev. Ukraine muốn hiệp ước này sẽ được Kiev và các quốc gia bảo lãnh ký kết. Nếu điều này không thực hiện được, Ukraine mong muốn các nước sẽ ký vào các thỏa thuận song phương riêng với Ukraine.
Danh sách cụ thể các nước Ukraine muốn giúp họ đảm bảo an ninh trong tương lai gồm: Mỹ, Australia, Vương quốc Anh, Đức, Italy, Canada, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, các quốc gia Bắc, Trung, Nam Âu và các quốc gia Baltic. Nga không có tên trong danh sách này.
Các thỏa thuận này không ngăn cản nguyện vọng gia nhập NATO và EU của Ukraine, văn bản đề xuất.
Theo đề nghị từ phía Kiev, Ukraine muốn một danh sách các biện pháp quân sự, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và thông tin được xây dựng chi tiết, với một số biện pháp sẽ được các nước thực hiện ngay lập tức trong trường hợp nước thứ 3 tấn công vào Ukraine. Ukraine cũng trông đợi vào các khoản đầu tư của các đối tác vào lĩnh vực quốc phòng vào vũ khí và dữ liệu tình báo của Kiev.
Ukraine muốn thỏa thuận đảm bảo an ninh có điều khoản nhằm tung ra các biện pháp trừng phạt nhanh chóng với quốc gia tấn công vào Kiev trong tương lai.
Ngoài ra, Ukraine cũng muốn tham gia vào hoạt động huấn luyện của EU và các cuộc diễn tập chung của NATO.
Phản ứng của Nga
Sau động thái của Ukraine, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo, việc triển khai các điều khoản nói trên có thể sẽ trở thành "khúc dạo đầu cho Thế chiến III".
Ông Medvedev nhận định, các đề xuất của Ukraine tương đương với việc mở rộng sự bảo vệ quân sự của NATO đối với Ukraine. Ông cảnh báo, nếu các nước thành viên của khối liên minh quân sự không ngừng gửi thêm vũ khí đến Ukraine, cuộc xung đột có thể phát triển đến một cấp độ khác, trở nên khó dự đoán hơn và sẽ bắt đầu liên quan đến ngày càng nhiều quốc gia.
Ukraine từ lâu đã theo đuổi mục tiêu gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU), thậm chí Kiev đã đưa mục tiêu trở thành thành viên NATO vào hiến pháp.
Khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ cuối tháng 2, Moscow đã tuyên bố rõ, chiến dịch chỉ kết thúc khi Kiev cam kết trung lập, không gia nhập NATO, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ và phải công nhận bán đảo Crimea thuộc về Nga.
Trước đó, Ukraine nhiều lần thừa nhận rằng NATO không muốn kết nạp nước này vào khối. Kiev cũng từng phát đi tín hiệu sẽ dừng mong muốn gia nhập NATO như một nhượng bộ cho việc đàm phán hòa bình với Nga.