"Các đơn vị của chúng tôi đang thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Đổi lại, chính quyền Kiev tìm cách tạo ra mối đe dọa về thảm họa hạt nhân bằng việc tiếp tục cố tình pháo kích vào cơ sở này", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói với các chỉ huy quân sự tại một cuộc họp hôm 6/12.
Binh sĩ Nga đứng gác tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (Ảnh: Reuters).
Theo ông Shoigu, Ukraine đã bắn 33 quả đạn pháo cỡ lớn vào nhà máy Zaporizhzhia trong hai tuần qua. Bộ trưởng Quốc phòng Nga khẳng định phần lớn số đạn pháo này đã bị lực lượng phòng không Nga đánh chặn, mặc dù một số quả vẫn đánh trúng các cơ sở làm "ảnh hưởng đến hoạt động an toàn của nhà máy điện hạt nhân".
"Chúng tôi coi các cuộc tấn công này của quân đội Ukraine là khủng bố hạt nhân", ông Shoigu cảnh báo.
Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu đặt tại miền Nam Ukraine, cung cấp điện cho một khu vực rộng lớn của Ukraine cũng như bán điện cho nhiều quốc gia láng giềng. Sau khi tỉnh ly khai Zaporizhzhia bỏ phiếu sáp nhập vào Nga, nhà máy này đã được chuyển giao cho các kỹ sư Nga kiểm soát và đang cung cấp lượng điện năng ổn định cho các khu vực ly khai phía Nam Ukraine và bán đảo Crimea.
Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau sau các vụ nã pháo vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia trong thời gian qua. Điện Kremlin kêu gọi "tất cả các nước trên thế giới" gây áp lực buộc Kiev ngừng các cuộc tấn công vào nhà máy.
Kiev mong muốn giành lại nhà máy Zaporizhzhia nhằm bù đắp cho lượng điện năng thiếu hụt sau các trận tập kích của Nga vào các cơ sở năng lượng trên khắp lãnh thổ Ukraine trong thời gian qua.
Các vụ pháo kích liên tiếp vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra sự cố nghiêm trọng tại khu vực chỉ cách Chernobyl 500km. Nhà máy Chernobyl là nơi từng xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới vào năm 1986.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đang thúc đẩy việc thiết lập một khu vực an ninh xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, do lo ngại một thảm họa hạt nhân tương tự thảm họa Chornobyl. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 6/12 cho biết đã có "động lực tích cực" trong các cuộc thảo luận với IAEA về ý tưởng này. Tuy nhiên, Nga khẳng định không rút khỏi nhà máy Zaporizhzhia.
"Không có bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc rút nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia khỏi sự kiểm soát của Nga hoặc chuyển giao quyền kiểm soát nhà máy cho một bên thứ ba. Nhà máy này nằm trên lãnh thổ Nga và do Nga kiểm soát hoàn toàn. Chúng tôi cho rằng chỉ có chúng tôi mới có thể đảm bảo an toàn cho nhà máy", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova tuyên bố.
Moscow nhiều lần khẳng định mục đích duy nhất của việc Nga tiếp quản nhà máy Zaporizhzhia là để "ngăn chặn các lực lượng dân tộc chủ nghĩa Ukraine và lính đánh thuê nước ngoài lợi dụng tình hình hiện tại ở Ukraine để thực hiện một vụ khiêu khích hạt nhân với những hậu quả khó lường nhất".