Reuters dẫn lời các quan chức cho biết, gói viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine sẽ bao gồm rocket cho hệ thống rocket phóng loạt HIMARS, đạn 155mm, xe Humvee và máy phát điện. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin chi tiết về các hệ thống phòng không mà Mỹ dự tính chuyển cho Ukraine.
Binh sĩ Ukraine vận chuyển các tên lửa Stinger do Mỹ sản xuất và các thiết bị quân sự tại sân bay Kiev (Ảnh: AFP).
Gói viện trợ mới trị giá 275 triệu USD dự kiến sẽ được Mỹ công bố chính thức trong hôm nay 9/12.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, việc hỗ trợ Ukraine trang bị hệ thống phòng không đã trở thành "ưu tiên tuyệt đối" của các nước phương Tây kể từ khi Nga bắt đầu nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Kiev.
Đầu tháng 11, Lầu Năm Góc công bố gói viện trợ an ninh trị giá 400 triệu USD cho Ukraine, bao gồm đạn dược cho hệ thống phòng không HAWK cũng như 4 hệ thống phòng không Avenger và tên lửa Stinger bổ sung.
Cùng tháng 11, Ukraine đã nhận được hai Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS), và Washington hứa sẽ gửi thêm 6 hệ thống khác. Giới quan sát nhận định, NASAMS sẽ làm gia tăng đáng kể năng lực phòng thủ của Ukraine trước dàn hỏa lực vượt trội của Nga, trong bối cảnh Moscow gần đây phóng "mưa" tên lửa xuống các mục tiêu quan trọng của Kiev.
Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột tại Ukraine, Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn 19 tỷ USD cho Kiev.
CNN dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên hôm 30/11 cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét mở rộng đáng kể chương trình huấn luyện cho các lực lượng Ukraine, bao gồm việc huấn luyện cho khoảng 2.500 quân nhân Ukraine mỗi tháng tại một căn cứ quân sự của Mỹ ở Đức.
Theo CNN, các quan chức và nhà lập pháp Ukraine trong những tháng gần đây đã đề nghị chính quyền và các nhà làm luật Mỹ cung cấp cho Kiev đạn chùm, loại vũ khí bị hơn 100 quốc gia cấm vì có sức sát thương cao. Đây được xem là một trong những đề nghị viện trợ vũ khí gây tranh cãi nhất của Ukraine kể từ khi chiến sự Moscow - Kiev bùng phát hồi tháng 2.
Moscow đã nhiều lần cảnh báo, việc các nước phương Tây cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine có nguy cơ vượt qua "lằn ranh đỏ" của Nga và dẫn đến xung đột trực tiếp. Washington và các đồng minh khẳng định không tham gia vào cuộc xung đột, nhưng vẫn tiếp tục gửi các lô vũ khí cho Kiev.
Nga bắt đầu các cuộc tập kích diện rộng ở Ukraine từ ngày 10/10, nhắm vào hạ tầng năng lượng quan trọng của quốc gia láng giềng. Theo giới quan sát, mục tiêu của Moscow là làm gián đoạn mạng lưới hậu cần Ukraine và buộc Ukraine san sẻ bớt nguồn lực để bảo vệ hạ tầng phía sau chiến tuyến, từ đó làm chậm đà phản công của Kiev.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine nhằm làm giảm khả năng vận chuyển binh lính của Kiev, cũng như ngăn cản việc phương Tây cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine.
Về phía Ukraine, theo giới quan sát, quân đội nước này gần đây tăng cường các vụ tập kích bằng máy bay không người lái nhằm vào những mục tiêu nằm sâu sau chiến tuyến của Nga. Kiev cũng kêu gọi phương Tây cung cấp thêm các hệ thống phòng không hiện đại để đối phó với những đợt tập kích tên lửa diện rộng.