Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ các nhà ngoại giao Ukraine và châu Âu ngày 22/12 cho biết, chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky đang hoàn thiện "công thức hòa bình" gồm 10 điểm từng được nhà lãnh đạo Ukraine đề cập tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia. Công thức này có thể sẽ được Ukraine công bố vào cuối tháng 2/2023, một năm sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước láng giềng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trước Quốc hội Mỹ hôm 21/12 (Ảnh: Reuters).
Theo các nguồn tin, Ukraine đang cố gắng đạt được các thành tựu trên chiến trường để củng cố vị thế trước khi bước vào bàn đàm phán với Nga.
Trong chuyến thăm Mỹ hôm 21/12, Tổng thống Zelensky cho biết ông đã thảo luận với Tổng thống Mỹ Joe Biden về các đề xuất của Kiev nhằm giải quyết cuộc xung đột với Nga.
"Chúng ta cần hòa bình. Ukraine đã đưa ra các đề xuất mà tôi đã thảo luận với Tổng thống Biden. Công thức hòa bình của chúng tôi gồm 10 điểm. Công thức này phải được thực hiện để đảm bảo an ninh chung của chúng tôi trong nhiều thập niên tới", ông Zelensky phát biểu trước Quốc hội Mỹ sau cuộc hội đàm với Tổng thống Biden.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng đề cập đến việc tổ chức hội nghị hòa bình. "Hội nghị hòa bình có thể được tổ chức. Tôi vui mừng chia sẻ rằng, Tổng thống Biden đã ủng hộ sáng kiến hòa bình của chúng tôi hôm nay", ông Zelensky nói thêm.
Theo thông tin trên trang web của Tổng thống Ukraine, trong cuộc trò chuyện với Tổng thống Biden, Tổng thống Zelensky đã đưa ra sáng kiến về một hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov đầu tuần này khẳng định Moscow không biết về sáng kiến hội nghị hòa bình toàn cầu của Tổng thống Zelensky.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 11, Tổng thống Zelensky đã nêu công thức hòa bình gồm 10 điểm nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Các đề xuất bao gồm đảm bảo an ninh hạt nhân, phóng xạ; an ninh lương thực, năng lượng; thả toàn bộ tù binh; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine và trật tự thế giới; Nga phải rút quân và ngừng các hành động thù địch, tránh leo thang căng thẳng và bồi thường thiệt hại chiến tranh.
Mặc dù phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán, song Tổng thống Zelensky nhấn mạnh Ukraine sẽ "không thỏa hiệp về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" để có được hòa bình. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, các đề xuất hòa đàm mà Ukraine đưa ra là "phi thực tế và không đầy đủ".
Trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G7 hôm 12/12, Tổng thống Zelensky đề xuất 3 bước nhằm đẩy nhanh quá trình tiến tới hòa bình trong cuộc xung đột với Nga.
"Bước đầu tiên là một lực lượng mới. Ukraine cần các xe tăng hiện đại, và tôi cũng kêu gọi các nước (G7) trang bị năng lực phòng thủ cho chúng tôi. Ukraine cần hỗ trợ pháo binh với súng và đạn pháo. Chúng tôi cũng cần nhiều pháo phản lực và tên lửa tầm xa hơn. Bước thứ hai là khả năng phục hồi mới. Chúng tôi phải duy trì sự ổn định về tài chính, năng lượng và xã hội trong năm tới. Thứ ba là một chính sách ngoại giao mới. Ukraine luôn dẫn đầu tiến trình đàm phán và làm mọi cách để ngăn chặn sự leo thang căng thẳng của Nga", Tổng thống Ukraine tuyên bố.