Theo Reuters, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lần đầu nêu công thức hòa bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 11. Kể từ đó đến nay, giới chức Ukraine tận dụng mọi cơ hội để đưa bản đề xuất gồm 10 điểm này vào các chương trình nghị sự quốc tế.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).
Dưới đây là chi tiết công thức hòa bình 10 điểm của Kiev:
1. An toàn bức xạ và hạt nhân, tập trung vào việc khôi phục an toàn xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia ở miền Nam Ukraine, hiện do Nga kiểm soát.
2. An ninh lương thực, bao gồm bảo vệ và đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sang các quốc gia nghèo nhất thế giới.
3. An ninh năng lượng, tập trung vào kiểm soát giá đối với các nguồn năng lượng từ Nga, cũng như hỗ trợ Ukraine khôi phục cơ sở hạ tầng điện, một nửa trong số đó đã bị hư hại do các cuộc tập kích của Nga.
4. Trả tự do cho tất cả tù nhân và người bị trục xuất, kể cả tù nhân chiến tranh và trẻ em bị trục xuất sang Nga.
5. Khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và Nga phải tái khẳng định điều đó theo Hiến chương Liên hợp quốc.
6. Nga rút quân, chấm dứt chiến sự và khôi phục biên giới của Ukraine với Nga.
7. Công lý, bao gồm cả việc lập một tòa án đặc biệt để xét xử các tội ác chiến tranh.
8. Bảo vệ môi trường, tập trung vào rà phá bom mìn và khôi phục các cơ sở xử lý nước.
9. Ngăn chặn leo thang xung đột và xây dựng cấu trúc an ninh trong không gian châu Âu - Đại Tây Dương, bao gồm cả những đảm bảo cho Ukraine.
10. Xác nhận chiến sự kết thúc, gồm văn bản có chữ ký của các bên tham gia.
Phản ứng của thế giới
Tổng thống Zelensky cũng như các quan chức cấp cao của Ukraine nhiều lần hối thúc lãnh đạo quốc tế ủng hộ ý tưởng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Toàn cầu vào mùa đông này, trong đó tập trung vào công thức hòa bình. Ông Zelensky đã đề cập lại bản đề xuất hòa bình trong chuyến công du Mỹ hồi tuần trước. Gần đây nhất, hôm 26/12, nhà lãnh đạo Ukraine điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để bàn về việc triển khai "công thức hòa bình".
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết, ông sẵn sàng làm trung gian hòa đàm nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine, nhưng phải được sự chấp thuận của các bên. Ông Guterres cho rằng, triển vọng hòa đàm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine hiện rất ít. "Tôi tin rằng xung đột còn tiếp diễn, chúng ta phải chờ thêm một thời gian nữa thì các đàm phán hòa bình nghiêm túc mới có thể diễn ra", Tổng thư ký Guterres nói.
Phương Tây vốn viện trợ quân sự tích cực cho Ukraine, song cũng phản ứng khá thận trọng với đề xuất của Kiev.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung nhân chuyến thăm Nhà Trắng của ông Zelensky, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói, ông "có chung tầm nhìn" về hòa bình và Mỹ cam kết hỗ trợ Ukraine phòng vệ.
Lãnh đạo G7 tuyên bố sẽ giúp mang lại hòa bình cho Ukraine "phù hợp với các quyền được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc".
Trong khi đó, Nga lập tức bác bỏ đề xuất công thức hòa bình của Ukraine. Moscow nói rằng Kiev nên thừa nhận "thực tế mới", trong đó có việc 4 vùng Kherson, Zaporizhia, Donetsk và Lugansk đã thành một phần lãnh thổ của Nga.