Tass đưa tin, Phó cục trưởng cục Chính trị - Quân sự của Lực lượng vũ trang Nga, Tướng Sergey Sevryukov nói với các phóng viên rằng việc binh sĩ sử dụng điện thoại cá nhân trong tầm tấn công của hỏa lực Ukraine là nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc ở Makeyevka, Donetsk hôm 1/1.
Một hệ thống HIMARS khai hỏa (Ảnh: Reuters).
Nga cho biết, 89 quân nhân đã thiệt mạng, bao gồm cả một phó chỉ huy đơn vị. Ukraine đã bắn 6 quả rocket từ hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS vào khu vực Nga tập kết quân.
"Rõ ràng là nguyên nhân chính của vụ việc là do binh sĩ đã không tuân thủ lệnh cấm khi vẫn sử dụng điện thoại cá nhân trong tầm bắn của hỏa lực đối phương. Yếu tố này giúp đối thủ nắm được phương hướng và xác định tọa độ vị trí của các quân nhân để tiến hành tấn công bằng rocket. Các biện pháp cần thiết hiện đang được thực hiện để loại trừ những sự cố như vậy trong tương lai", ông Sevryukov nói.
Phát biểu của ông Sevryukov cho thấy, lỗ hổng nguy hiểm mà Nga cần phải khắc phục nếu muốn tránh những vụ việc tương tự lập lại. Trên thực tế, nhiều chuyên gia đã từng cảnh báo về mối nguy hiểm khi binh sĩ sử dụng thiết bị cá nhân hiện đại trên chiến trường trong bối cảnh đối thủ đang ngày càng nâng cao năng lực tác chiến điện tử nhằm dò tìm, truy vết thông qua tín hiệu.
Mối nguy từ thiết bị điện tử cá nhân
Tháng trước, Tư lệnh lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ David Berger từng thừa nhận, việc các công nghệ mới được sử dụng trên chiến trường đã khiến quân đội Mỹ phải suy nghĩ lại về phương pháp tác chiến nếu đối mặt với một đối thủ sở hữu công nghệ tiên tiến.
Theo ông Berger, từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, một điều mà ông có thể rút ra là các thiết bị điện tử "đang phát đi nhiều thông tin hơn chúng ta nghĩ".
Tướng Mỹ cho rằng, nguy cơ "rò rỉ tín hiệu điện tử" đặc biệt nghiêm trọng trên chiến trường, vì đối thủ có thể tận dụng những điều này để định vị chính xác nơi đóng quân của phía bên kia, nghe lén các cuộc trao đổi và thậm chí tấn công.
Ông Berger nhận định, công nghệ hiện đại đang kéo theo những rủi ro ngày càng lớn hơn, vì "mỗi lần bạn bấm nút, bạn đang rò rỉ tín hiệu".
Với các binh sĩ trẻ, điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác là một phần của cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, việc ngăn chặn bị rò rỉ tín hiệu trên chiến trường với nhóm này sẽ đòi hỏi họ phải thay đổi một số thói quen.
"Họ không nghĩ nhiều khi bấm nút (trên điện thoại). Đó là việc họ làm cả ngày. Giờ đây chúng ta phải dừng việc này lại và nói với họ rằng điều đó là rất tồi tệ. Nó có thể khiến bạn mất mạng, vì vậy hãy tắt điện thoại đi. Họ sẽ nói rằng, tôi sẽ không chạm vào đó, tôi sẽ chỉ để nó bật lên thôi. Điều đó cũng không được, vì điện thoại di động có những bộ phận mà chúng ta chưa hiểu hết (nên vẫn có nguy cơ rò rỉ tín hiệu)", tướng Mỹ nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia quân sự, việc binh sĩ sử dụng điện thoại di động đã trở thành một yếu tố dễ gây tổn thương cho Nga kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ tháng 2 năm ngoái. Tình báo Ukraine đã nghe lén được một số cuộc trò chuyện của binh sĩ Nga thông qua điện thoại cá nhân không được bảo mật. Ukraine cũng đã truy vết được vị trí của quân nhân Nga và thực hiện các vụ tấn công, giống như vụ hôm 1/1.
Vụ tấn công của Ukraine cũng cho thấy mức độ nguy hiểm của thiết bị tác chiến điện tử. Đây là các vũ khí không có thuốc súng, không gây thương vong trực tiếp, nhưng chúng có thể mang lại những tác động rất lớn tới chiến trường. Ukraine đã sử dụng thiết bị tác chiến điện tử để phát hiện ra vị trí của Nga, gây ra thiệt hại lớn cho đối thủ.