Trong một bức thư gửi Tổng thống Joe Biden, 29 thượng nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa cho biết Phần Lan và Thụy Điển đang nỗ lực "toàn diện và thiện chí" để đáp ứng các điều kiện trở thành thành viên NATO theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù Ankara nói rằng Thụy Điển cần phải đáp ứng nhiều hơn nữa.
Máy bay F-16 biểu diễn tại triển lãm hàng không Wings Over Baltics 2019 ở Tukums, Latvia (Ảnh: Reuters).
"Sau khi các quy trình gia nhập NATO được Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn, Quốc hội Mỹ có thể xem xét việc bán máy bay chiến đấu F-16", nội dung bức thư nêu rõ.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi một thông báo tới Quốc hội vào ngày 12/1, trong đó đề xuất thương vụ bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sĩ Quốc hội, trong đó có cả những thành viên cấp cao của đảng Dân chủ.
Theo luật, Quốc hội Mỹ có thể chặn một thương vụ mua bán vũ khí giữa Washington và một quốc gia nước ngoài bằng cách thông qua một nghị quyết phản đối.
Thổ Nhĩ Kỳ từng đặt mua hơn 100 máy bay chiến đấu F-35 do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất và đã chuyển trước một khoản tiền cho thương vụ này. Tuy nhiên, Mỹ đã gạt Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 vào năm 2019, sau khi Ankara kiên quyết mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga bất chấp cảnh báo của Washington.
Mỹ quan ngại rằng, lá chắn của Moscow nếu hoạt động trong lực lượng của thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành mối đe dọa với tiêm kích tối tân F-35 của Washington. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần khẳng định, nước này sẽ triển khai độc lập S-400 mà không tích hợp vào hệ thống của NATO nên sẽ không gây ra rủi ro về an ninh với khối liên minh quân sự.
Năm 2021, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Mỹ đã đề xuất bán cho Ankara các tiêm kích F-16 sau khi Washington loại Ankara khỏi chương trình F-35. Thổ Nhĩ Kỳ muốn Mỹ bán 40 tiêm kích F-16 và gần 80 bộ phụ tùng nhằm hiện đại hóa các tiêm kích có sẵn trong biên chế không quân. Tuy nhiên, thương vụ này cho đến nay vẫn chưa thực hiện được do Mỹ muốn Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận cho Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.
Thụy Điển và Phần Lan năm ngoái cùng nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Hai nước cần sự chấp thuận của tất cả các nước thành viên NATO để gia nhập. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary hiện vẫn chưa phê chuẩn tư cách thành viên của hai nước Bắc Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thụy Điển chứa chấp những phần tử mà Ankara nói là các chiến binh từ Đảng công nhân người Kurd (PKK). Thổ Nhĩ Kỳ xem PKK là tổ chức khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ các cuộc đàm phán với Thụy Điển và Phần Lan vào tuần trước sau một cuộc biểu tình ở Stockholm, trong đó một chính trị gia cực hữu đã đốt một bản sao của cuốn kinh Koran.