UAE và Qatar đã khôi phục quan hệ chính thức vào tháng 1.2021, sau khi cuộc tẩy chay tập thể về ngoại giao và giao thông khiến Qatar bị cô lập tại khu vực kết thúc sau gần 4 năm.
Tổng thống UAE Mohamed bin Zayed Al-Nahyan (phải) đón Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani tại sân bay ở Abu Dhabi (UAE) vào ngày 18.1. AFP
"UAE và Qatar tuyên bố khôi phục sự hiện diện ngoại giao giữa hai nước", một tuyên bố được hãng thông tấn WAM của UAE đăng tải ngày 19.6 cho hay.
Hai bên đang "khôi phục công việc tại đại sứ quán của UAE ở Doha, cũng như tại đại sứ quán của Qatar ở Abu Dhabi và lãnh sự quán của nước này ở Dubai", theo tuyên bố.
Bộ Ngoại giao Qatar cũng đưa ra tuyên bố tương tự.
Ả Rập Xê Út, UAE, Bahrain và Ai Cập đã tiến hành tẩy chay Qatar về ngoại giao và giao thông vào năm 2017, cáo buộc nước này ủng hộ các tổ chức cực đoan và trở nên quá thân cận với Iran. Doha đã phủ nhận các cáo buộc.
Việc mở lại các cơ quan đại diện ngoại giao diễn ra vào thời điểm sự thù địch ở vùng Vịnh đã giảm bớt, sau khi hai đối thủ lâu năm là Ả Rập Xê Út và Iran hồi tháng 3 tuyên bố kết thúc 7 năm đoạn tuyệt quan hệ.
Trong bầu không khí hòa giải bao trùm, Qatar và nước láng giềng thân cận Bahrain đã nối lại bang giao vào tháng 4.
Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út Faisal bin Farhan đã đến thăm Iran hôm 17.6, gặp Tổng thống Ebrahim Raisi, một động thái quan trọng khác trong quá trình hòa giải giữa hai nước. Iran đã mở lại đại sứ quán ở Riyadh trong tháng này.
Mối quan hệ giữa Ả Rập Xê Út, vương quốc với đa số dân theo Hồi giáo Sunni, với Iran, quốc gia có dân số chủ yếu là tín đồ Hồi giáo Shiite, ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định ở Trung Đông, vì hai nước từ lâu đã ra sức tranh giành ảnh hưởng khu vực, ủng hộ các bên đối lập trong các cuộc xung đột, bao gồm ở Yemen.
Theo thanhnien.vn