Tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông và biển Hoa Đông: Muốn xoay trục, nhưng trục chẳng xoay!
Tuesday, August 26, 2014 7:11 AM GMT+7
Ngày 23/08, tờ Washington Free Beacon đưa tin, Hải quân Mỹ đã quyết định điều cụm tàu sân bay thứ 2 (tàu sân bay USS Carl Vinson, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và 3 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường: USS Gridley, USS Sterett và USS Dewey) đến Châu Á - Thái Bình Dương sau khi xảy ra vụ chạm trán nguy hiểm giữa máy bay do thám Mỹ với chiến đấu cơ Trung Quốc ngoài Biển Ðông.

Cũng trong ngày 23/08, ông Dương Vũ Quân, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc của Lầu Năm Góc, đồng thời khẳng định, phi công Trung Quốc đã giữ khoảng cách “an toàn” khi áp sát máy bay Mỹ.

Theo ông Dương Vũ Quân, khoảng 9 giờ ngày 19/08, 2 máy bay trinh sát P-3 và P-8 của Hải quân Mỹ đã bay đến không phận cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 220km về phía đông; và một chiếc J-11B của Hải quân Trung Quốc đã cất cánh để nhận dạng như thường lệ và thao tác của phi công Trung Quốc rất chuyên nghiệp. Ông Dương Vũ Quân còn cho rằng, chính việc trinh sát ở cự ly gần với quy mô lớn, tần suất cao của Mỹ nhằm vào Trung Quốc là căn nguyên gây nguy hiểm tới an ninh quân sự trên không, trên biển giữa Bắc Kinh và Washington, dẫn đến những sự cố ngoài ý muốn.

Luôn cảnh giác với Trung Quốc

Trong khi ông Dương Vũ Quân chối bay chối biến, thì người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, Mỹ có đủ bằng chứng về sự cố nguy hiểm với hành vi đe dọa của chiến đấu cơ Trung Quốc. Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, có lúc chiếc J-11B của Trung Quốc cách chiếc P-8 của Mỹ chỉ 6,1m và đây là khoảng cách “thiếu chuyên nghiệp, thừa nguy hiểm”.

Ðiều này cũng từng xảy ra trong cuộc chạm trán hồi tháng 4-2001 giữa 1 chiếc EP-3 của Mỹ với chiến đấu cơ J-8 Trung Quốc. Ngày 22/08, Nhà Trắng đã gửi công hàm chính thức, trong đó gọi vụ máy bay Trung Quốc bay sát máy bay do thám Mỹ trên không phận quốc tế gần đảo Hải Nam là hành động khiêu khích đáng lo ngại và bày tỏ sự phản đối với Bắc Kinh.

Phó cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Ben Rhodes cho rằng, động thái trên là “hành động khiêu khích gây quan ngại sâu sắc”. Giới chức Mỹ cũng thừa nhận, tuyên bố chính thức của Trung Quốc tại ARF hồi đầu tháng 8 cho thấy, Bắc Kinh chưa có kế hoạch quay lại với các tuyên bố hiếu chiến ở biển Hoa Ðông và đang nỗ lực ngăn chặn sự tham dự của Mỹ vào Biển Ðông. Ngày 23/08, tờ Business Insider bình luận, động thái này chứng minh, Trung Quốc không ngại hiện thực hóa “đường lưỡi bò” ở Biển Ðông, bất chấp nguy cơ phải đối đầu với quân đội Mỹ.

Muốn xoay trục, nhưng trục chẳng xoay!

J-11 Trung Quốc

Ngày 23/08, New Delhi tiết lộ chiến hạm chống ngầm tự chế đầu tiên INS Kamorta nhằm ngăn chặn Trung Quốc tuần tra dưới nước gần bờ biển Ấn Ðộ. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Ðộ Arun Jaitley tiếp nhận tàu INS Kamorta 3.300 tấn với 90% bộ phận là nội địa. Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi thừa nhận, việc phát triển tàu chiến của New Delhi không thể so sánh với sự hiện đại hóa mạnh mẽ của Hải quân Trung Quốc.

Trước đó (22/08), giới truyền thông Ấn Ðộ cho biết, quân đội nước này bắt đầu triển khai 6 khẩu đội tên lửa đất đối không Akash đến khu vực Ðông Bắc, một phần trong kế hoạch “răn đe tin cậy” dọc Ranh giới kiểm soát thực tế dài hơn 4.000km với Trung Quốc. Cũng trong ngày 22/08, tờ The Times of India cho biết, sau khi bố trí máy bay chiến đấu hiện đại nhất Sukhoi-30MKI tại Tezpur và Chabua, Ấn Ðộ bắt đầu triển khai 6 khẩu đội tên lửa đất đối không Akash ở Ðông Bắc để ngăn chặn máy bay phản lực, lên thẳng và không người lái của Trung Quốc có những hành động bất ngờ tại khu vực này.

Theo tờ Hindustan Times, Ấn Ðộ có kế hoạch chi 620 tỉ rupi (10 tỉ USD) cho quân đoàn tấn công sơn cước mới để đối phó với Trung Quốc dọc biên giới giữa hai nước ở khu vực Ðông Bắc nước này. Tướng Dalbir Singh Suhag, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Ấn Ðộ cho biết, quân đoàn kể trên nhiều khả năng sẽ đi vào hoạt động năm 2022. Ðể tăng cường khả năng đối phó với Bắc Kinh, New Delhi được cho là sẽ đưa 150 xe tăng T-72 tới vùng Ladakh và triển khai các hệ thống phóng rocket đa nòng Smerch (có thể tấn công mục tiêu cách xa từ 70-80 km) tại các vị trí then chốt.

Ðược biết, Ấn Ðộ đang đóng một tàu ngầm hạt nhân nội địa đầu tiên của mình mang tên INS Arihant tại cảng Visakhapatnam, bang Andhra Pradesh. Ðây là chiếc đầu tiên trong số ba tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tải trọng 6.000 tấn có khả năng trang bị tên lửa đạn đạo. Khi tàu ngầm này chính thức đi vào trực chiến, Ấn Ðộ sẽ trở thành một trong 6 quốc gia trên thế giới có khả năng thiết kế, chế tạo và vận hành một tàu ngầm hạt nhân.

Muốn xoay trục, nhưng trục chẳng xoay!

Lính Ấn Độ tuần tra gần giới tuyến với Trung Quốc

Bạch tuộc ở Biển Ðông

Theo tờ Gulf News, Trung Quốc là bạch tuộc ở Biển Ðông - Bắc Kinh đang hướng tới kiểm soát giao thương hàng hải trên Biển Ðông và điều này sẽ gây hại đến lợi ích của các quốc gia vùng Vịnh (Kuwait, Bahrain, Iraq, Oman, Qatar, Arập Xêút và UAE). Ngày 20/08, tờ Thời báo Hoàn Cầu đã kêu gọi trả đũa Australia sau khi nhà tài phiệt khai mỏ kiêm chính trị gia Clive Palmer chỉ trích quyết liệt Trung Quốc. Trong chương trình truyền hình của Ðài ABC hôm 18/08, nghị sĩ Australia Clive Palmer đã chỉ trích Trung Quốc “làm hại người dân Australia” và muốn chiếm nguồn tài nguyên của nước này.

Ngày 24/08, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, quân đội Trung Quốc vừa tổ chức 1 số cuộc tập trận (cả trên biển và đất liền) nhằm khoe cơ bắp và đe dọa các nước có liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, biển đảo với Bắc Kinh. Ngày 19/08, Ðài phát thanh Deutsche Welle (Ðức) đã dẫn số liệu từ Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm (Thụy Ðiển) để chứng minh nhận định: căng thẳng với Trung Quốc về tranh chấp ở Biển Ðông đã thúc đẩy một số nước Ðông Nam Á tăng chi tiêu quốc phòng. Bởi trong năm 2013, ngân sách quốc phòng Ðông Nam Á đã tăng 5% (lên 35,9 tỉ USD) và dự kiến sẽ tăng đến 40 tỉ USD vào năm 2016.

Ngày 21/08, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời một quan chức an ninh cao cấp Philippines cho biết, tàu Trung Quốc không những tuần tra trái phép, mà còn thả phao tiêu hàng hải bất hợp pháp tại bãi Cỏ Rong nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Cũng trong ngày 21/08, tờ Philstar cho biết, Trung Quốc đang xây dựng hàng rào bê tông trên diện tích mới khai hoang bất hợp pháp trên đá Gạc Ma, một trong 6 bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Cùng ngày 21/08, tờ Tin tức Trung Quốc cho biết, Mỹ có thể đã bán 2 máy bay vận tải chiến thuật C-130T của hãng Lockheed Martin cho Philippines.

Theo giới truyền thông, ngày 29/08, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ đề xuất kế hoạch ngân sách quốc phòng tài khóa 2015 với mức 5.050 tỉ yen (gần 49 tỉ USD), đánh dấu mức tăng 3,5% so với ngân sách tài khóa 2014. Nhật Bản ngày càng quan tâm đến các đảo xa, đặc biệt là quần đảo Senkaku/Ðiếu Ngư. Trước đó (20/08), tờ Nikkei Asian Review cho rằng, Tokyo muốn mua 6 máy bay chiến đấu tàng hình F-35, để phòng vệ các đảo xa trước thái độ ngày càng cứng rắn của Trung Quốc trên biển và trên không.

Nhưng giới quân sự Trung Quốc lại coi việc mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 là nhằm nhận được sự ủng hộ của Mỹ. Bộ Quốc phòng Nhật Bản muốn nhận khoản ngân sách trị giá 49 tỉ USD trong năm tài khóa tới (từ 01/04/2015) và đây là mức tiền lớn nhất từ trước tới nay (tăng 3,5% so với năm tài khóa hiện tại). Tokyo cũng đang cân nhắc mua máy bay do thám không người lái Global Hawk của Mỹ và máy bay cảnh báo sớm để tăng cường khả năng do thám, cảnh báo sớm trên không. Ðược biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã quyết định mua 3 máy bay không người lái Global Hawk của Mỹ để bố trí tại căn cứ không quân Misawa, thuộc tỉnh Aoimori. Ngày 24/08, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã có mặt tại buổi bắn đạn thật ở chân núi Phú Sĩ với sự tham dự của khoảng 2.300 binh sĩ cùng 80 xe tăng, xe quân sự và 60 khẩu đội pháo.

Muốn xoay trục, nhưng trục chẳng xoay!

Tàu sân bay USS Carl Vinson

Theo giới truyền thông, Tokyo và New Delhi đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng nhằm thiết lập khuôn khổ tham vấn giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Ấn Ðộ để đạt thỏa thuận chính thức tại cuộc họp thượng đỉnh ngày 01/09. Nếu được chấp thuận thì đây sẽ là cơ chế đối thoại “2+2” thứ năm của Nhật Bản sau các cơ chế tương tự với Mỹ, Australia, Nga và Pháp. Ngày 21/08, tờ Nikkei đưa tin, Nhật Bản đang xem xét tự phát triển máy bay chiến đấu sau nhiều năm phụ thuộc vào Mỹ. Ðược biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch chi khoảng 40 tỉ yen (387 triệu USD) để thử nghiệm loại máy bay tiêm kích do Tokyo sản xuất.

Thừa cơ lấn tới

Ngày 28/08, Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 4 về hải dương với chủ đề “Xây dựng quan hệ đối tác kiểu mới về hợp tác biển trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” sẽ diễn ra tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 4 về hải dương là một trong những hội nghị cấp bộ trưởng APEC do Trung Quốc tổ chức. Ðộng thái này diễn ra sau khi Viện Nghiên cứu Biển Ðông Trung Quốc và Trung tâm sáng tạo hiệp đồng nghiên cứu Biển Ðông Trung Quốc đồng tổ chức “Hội thảo nghiên cứu quốc tế trọng tài Biển Ðông Trung Quốc - Philippines” (trong 2 ngày 21 và 22/08, tại Bắc Kinh) với sự tham dự của hơn 40 chuyên gia, học giả đến từ các nước, khu vực, tổ chức quốc tế như Trung Quốc, Ðài Loan, Anh, Canada, Australia, Hàn Quốc, Singapore và Tòa án Luật Biển quốc tế.

Theo ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Ðông Trung Quốc: tranh chấp Biển Ðông (liên quan đến 6 nước, 7 bên: Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei và Ðài Loan) đã có từ lâu và tình hình hiện nay rất phức tạp, nhạy cảm. Do đó, các bên cần tăng cường đối thoại, giao lưu, mở rộng đồng thuận, đồng thời lý giải và áp dụng đúng đắn quyền lợi theo Luật biển năm 1982, không làm phức tạp hóa tranh chấp Biển Ðông.

Và ông Ngô Sĩ Tồn đã đưa ra 3 đề nghị để bảo vệ hòa bình, ổn định Biển Ðông. Thứ nhất, “Gác tranh chấp, cùng khai thác” là phương thức hiệu quả nhất để hóa giải mâu thuẫn, tìm kiếm đồng thuận, tăng cường lòng tin. Thứ hai, DOC là nền tảng quan trọng quản lý khủng hoảng khu vực Biển Ðông. Thứ ba, Trung Quốc và các nước ASEAN từng bước đi sâu và mở rộng hợp tác thiết thực trên biển. Ðây không phải lần đầu Trung Quốc đưa ra những kiến nghị tương tự, nhưng điều này vẫn không che được bản chất tham lam, bá quyền mà Bắc Kinh đang tiến hành trên thực địa.

Ngày 22/08, tờ Phượng Hoàng (Hongkong) dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera về tầm quan trọng của tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp (tàu tác chiến cỡ lớn của hải quân Mỹ) và nếu thuận lợi, loại tàu này sẽ biên chế cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản vào năm 2019, trở thành tàu chiến lớn nhất của Tokyo. Trước đó (20/08), tờ Yomiuri Shimbun đưa tin, Tokyo sẽ mở rộng phạm vi hỗ trợ hậu cần của lực lượng phòng vệ dành cho quân đội Mỹ khi có tình huống an ninh khẩn cấp xảy ra xung quanh Nhật Bản. Chính sách này sẽ được Bộ Quốc phòng Nhật Bản đưa vào dự thảo sửa đổi Hướng dẫn Hợp tác quốc phòng Nhật - Mỹ, sẽ được trình lên chính phủ vào tháng sau.

Hải quân Mỹ vừa tiết lộ kế hoạch, trong đó có việc tăng cường sự hiện diện của tàu chiến trên các vùng biển quốc tế từ 97 lên 120 chiếc vào năm 2020. Ðô đốc Jonathan Greenert kêu gọi hải quân Mỹ tiếp tục duy trì lợi thế trên biển và cho biết, tàu ngầm tấn công lớp Virginia thứ 12 sẽ đi vào sử dụng năm 2015. Ðô đốc Jonathan Greenert cũng thừa nhận, sự sụt giảm tài chính đã buộc hải quân Mỹ phải đưa ra quyết định khó khăn, nhất là trong bối cảnh Washington thực hiện “Kế hoạch thực hiện Tham mưu trưởng hải quân 2015-2019”.

Ðây là kế hoạch mới chỉ đạo tác chiến hạm đội và xây dựng hải quân của Mỹ, trong kế hoạch này, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ tiếp tục kiên trì 3 nguyên tắc: ưu tiên tác chiến, hiện diện tuyến đầu, chuẩn bị ổn thỏa, vừa duy trì trạng thái chuẩn bị bố trí ổn thỏa, vừa tiến bước vững chắc trên con đường hiện đại hóa hạm đội. Trang Strategy Page (Mỹ) từng cho rằng, Mỹ từng tập kích trên biển và thực hiện các hành động đặc biệt khác hầu như hoàn toàn do lực lượng Navy Seals thực hiện. Nhưng hiện Bộ tư lệnh tác chiến đặc biệt thủy quân lục chiến và lực lượng đặc biệt/đặc nhiệm của lục quân Mỹ (Delta Force) cũng đang huấn luyện để phát động chiến dịch trên biển. Sự thay đổi này xuất hiện sau khi Mỹ “xoay trục” tới Châu Á - Thái Bình Dương.

Ngày 22/08, Tokyo cho biết, tàu nghiên cứu cá voi Shonan-maru No.2 cùng 19 thuyền viên đang bị Moskva tạm giữ vì đi vào lãnh hải Nga trái phép. Trước đó (21/08), Hãng Kyodo dẫn thông báo của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản về việc triển khai máy bay tiêm kích sau khi phát hiện 2 máy bay cường kích Tupolev Tu-95 của Nga bay quanh khu vực quần đảo do Tokyo kiểm soát.

Ðây là lần đầu tiên Tokyo thông báo triển khai máy bay tiêm kích ứng phó với máy bay quân sự của Nga kể từ hôm 21/05. Cũng trong ngày 21/08, tờ Kommersant cho biết, lực lượng chống ngầm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã chặn đứng hoạt động do thám của một tàu ngầm Nhật Bản trong vùng biển biên giới giữa hai nước.

Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh

Theo Petrotimes

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.