Trước đó (từ 21 đến 23/10), Hạm đội Bắc Hải tập trận cứu tàu ngầm. Theo giới truyền thông, trong năm 2014, Trung Quốc liên tục tổ chức các cuộc diễn tập trên đất liền và trên biển nhằm nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội theo yêu cầu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình: Phải giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh.
Mục đích giải thích hành động
Trong 2 ngày (29 và 30/10), tại Bắc Kinh, quan chức nghỉ hưu và đương chức trong quân đội cùng với học giả của Trung Quốc và Nhật Bản tổ chức đối thoại an ninh, phòng ngừa xảy ra xung đột quân sự giữa 2 nước. Cuộc đối thoại này do Quỹ Hòa bình Sasakawa của Nhật Bản tổ chức và diễn ra trong bối cảnh căng thẳng về chủ quyền ở biển Hoa Đông, nhất là tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, vẫn chưa được 2 nước giải quyết triệt để.
Dư luận đang quan tâm tới thông tin trên tờ Đa Chiều, theo đó thời cơ gặp mặt giữa ông Tập Cận Bình và ông Shinzo Abe đã chín muồi khi 2 nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản cùng xuất hiện tại hội nghị APEC (trong tháng 11). Nhưng để thực hiện việc này, Thủ tướng Shinzo Abe có khả năng phải nhượng bộ - thừa nhận có tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Được biết, cho tới nay Tokyo vẫn chưa chấp nhận điều kiện kể trên của Bắc Kinh.
Ngày 26/10, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản duyệt binh nhân 60 năm ngày thành lập
Ngày 28/10, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản tổ chức diễn tập quy mô lớn với lục quân Mỹ tại Chitose, tỉnh Hokkaido và cuộc diễn tập này sẽ kéo dài đến ngày 7/11 nhằm nâng cao khả năng hiệp đồng tác chiến và nâng cao kỹ năng chiến đấu cho quân đội 2 nước. Trước đó (24/10), Bộ Tham mưu Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, tàu hộ vệ Nhật Bản và biên đội tàu sân bay Mỹ đã triển khai huấn luyện chung ở Biển Đông trong khoảng 1 tháng (từ 22/10). Washington điều tàu sân bay George Washington, còn Tokyo điều tàu hộ vệ Sazanami tham dự đợt huấn luyện này. Được biết, Manila cũng điều tàu tuần tra BRP Gregorio del Pilar và đây là lần đầu tiên Philippines tập trận chung với Nhật Bản và Mỹ (tham gia bắn đạn thật).
Theo giới truyền thông, Nhật Bản sẽ sớm xây dựng lực lượng lính thủy đánh bộ mạnh (Đoàn thủy quân lục chiến cơ động thuộc Lực lượng Tự vệ trên bộ) với quân số 2.000 người vào năm 2017, chính thức hoạt động từ đầu năm 2018 và số binh sĩ có thể tăng lên 3.000 người vào những năm tiếp theo. Ngoài con người, lực lượng này còn được trang bị xe lội nước (52 xe AAV7) có khả năng vận hành cả trên đất liền và dưới nước, máy bay lên thẳng (17 máy bay cất cánh thẳng đứng Osprey), cùng nhiều trang thiết bị hiện đại khác.
Ngày 27/10, báo điện tử Trung Quốc đồng loạt đưa tin về lễ duyệt binh hàng không kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản do Bộ Quốc phòng tổ chức hôm 26/10 tại căn cứ Hyakuri, thành phố Ibaraki. Đây là lần đầu tiên lễ duyệt binh nhân ngày thành lập Lực lượng Phòng vệ phô diễn máy bay vận tải cánh xoay nghiêng MV-22 Osprey, máy bay chiến đấu tàng hình F-35 và máy bay vận tải cỡ lớn C-2 do Nhật Bản tự sản xuất. Nhân dịp này, Thủ tướng Shinzo Abe đã nhấn mạnh tới việc tăng cường năng lực ngăn chặn của thể chế bảo đảm an ninh Mỹ - Nhật, cũng như quyền tự vệ tập thể của Tokyo. Giới truyền thông Trung Quốc từng cho rằng, ông Shinzo Abe đang thực hiện chính sách “ngoại giao dollar” và “xuất khẩu vũ khí” để liên kết với một số quốc gia bao vây Trung Quốc, nhằm củng cố vị thế “bá quyền châu Á” của mình. Ngoài ra, ông Shinzo Abe còn sử dụng “viện trợ phát triển chính phủ” để thực hiện mục đích của mình.
Cũng trong ngày 27/10, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã bắt một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc vì bị tình nghi bắt trộm san hô sau cuộc truy đuổi kéo dài 85 phút trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Nếu bị buộc tội, người này có thể bị kết án 6 tháng tù giam hoặc bị phạt tiền khoảng 300.000 yen (2.770USD) theo luật đánh cá của Nhật Bản. Trước đó (18/10), Trung Quốc đã điều 3 tàu hải cảnh tới gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp với Nhật Bản. Ngày 26/9, lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản cho biết, máy bay Nhật Bản đã phát hiện 1 tàu Trung Quốc đang khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản ngoài khơi quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Cảnh giác không thừa
Theo Hãng GMA News, tại cuộc họp báo ở Manila ngày 29/10, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Laura Del Rosario cho biết, Tổng thống Benigno Aquino sẽ tham dự Hội nghị APEC ở Bắc Kinh (từ 9 đến 11/11) và tranh chấp tại Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc sẽ không được thảo luận tại hội nghị này. Giới truyền thông Đài Loan vừa dẫn lời Cục trưởng An ninh Đài Loan Lý Tường Trụ cho biết, Trung Quốc đang lấp biển xây đảo tại 7 điểm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong đó có 5 đảo do Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đích thân hoạch định với mục tiêu “pháo đài hóa đảo nhỏ” và “trận địa hóa đảo lớn”.
Trong khi đó, cả giới quân sự Trung Quốc và Philippines đều cho rằng, đường băng mới tại đảo Phú Lâm có thể tạo điều kiện cho Bắc Kinh thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông sau khi hoàn tất việc xây dựng căn cứ quân sự trên 4 bãi đá Châu Viên, Ga Ven, Gạc Ma và Tư Nghĩa ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Động thái kể trên của Trung Quốc nhằm củng cố yêu sách phi lý của Bắc Kinh ở quần đảo Trường Sa và Biển Đông.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia của Hải quân Mỹ
Ngày 25/10, Cơ quan mua sắm quốc phòng Ấn Độ đã thông qua dự án mua sắm quốc phòng trị giá 800 tỉ rupi (13,1 tỉ USD) nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội nước này. Số tiền trên được dùng để chế tạo 6 tàu ngầm, mua hơn 8.350 tên lửa chống tăng dẫn đường Spike MR và bệ phóng của Israel, mua 12 máy bay trinh sát hàng hải Dornier để nâng cấp cho lực lượng cảnh sát biển và 362 xe bọc thép chiến đấu bộ binh.
Ngày 24/10, tờ The Times of India dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Rajnath Singh: Ấn Độ không sợ Trung Quốc phản đối việc phát triển khu vực biên giới khi tuyên bố xây dựng 54 trạm gác mới và đầu tư 1,75 tỉ rupee xây dựng hạ tầng cơ sở khu vực biên giới đang tranh chấp tại bang Arunachal/Nam Tây Tạng. Trước đó (20/10), Ấn Độ đề cập tới dự định xây đường giao thông men theo tuyến kiểm soát thực tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực phía bắc Arunachal Pradesh. Những động thái kể trên của Ấn Độ khiến Trung Quốc cảnh giác. Giới phân tích cho rằng, nếu trước kia Ấn Độ chỉ coi Biển Đông như "một phương án dự trù", nhưng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, nước này phải triển khai chính sách Hướng Đông, với chiến lược "hai gọng kìm".
Ngày 26/10, tờ Want China Times dẫn thông tin trên tờ Thời báo Ấn Độ cho biết, Cảnh sát biên giới Ấn Độ - Tây Tạng (ITBP) đã lên kế hoạch lắp camera giám sát hiện đại có khả năng quan sát sâu 20km tại khu vực biên giới với Trung Quốc. Đây là một phần trong chiến dịch cải tiến hệ thống cơ sở an ninh vùng biên với Trung Quốc. Trước đó (22/10), nhiều hãng truyền thông Ấn Độ, trong đó có India Today đã đồng loạt đăng tải thông tin: Không quân Ấn Độ cấm quân nhân và người nhà trong lực lượng này sử dụng điện thoại di động mang thương hiệu MiUI của Trung Quốc sản xuất vì lý do an toàn thông tin.
Giới phân tích cho rằng, Nam Á là mắt xích quan trọng trong “Giấc mơ Trung Hoa” do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra cách đây gần 2 năm (29/11/2012). Giới học giả cho rằng, "Giấc mơ Trung Hoa" được gắn với việc đạt 2 mục tiêu 100 năm: Trung Quốc trở thành xã hội khá giả toàn diện vào năm 2021 (nhân 100 năm kỷ niệm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc) và Trung Quốc trở thành quốc gia phát triển toàn diện, đầy đủ vào năm 2049 (nhân 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa).
Ngày 22/10, tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã họp với Tổng tư lệnh các Lực lượng vũ trang Indonesia (TNI), Tư lệnh 3 binh chủng Hải - Lục - Không quân, Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia (POLRI) và Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (BIN) để trao đổi các vấn đề cấp thiết liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia, hiện đại hóa quân đội… Tổng thống Joko Widodo đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện chương trình mua sắm vũ khí với tổng giá trị 12,5 tỉ USD (giai đoạn 2010-2015). Giới chuyên môn cho rằng, để ứng phó với tình hình bất ngờ trên biển, Indonesia đã đặt mua 3 tàu ngầm tấn công diesel - điện Type 209/1400 của Hàn Quốc và 2 tàu hộ vệ lớp Sigma của Hà Lan; nâng cấp số chiến đấu cơ F-16A/B và thay thế máy bay chiến đấu F-5E/F…
Tham mưu trưởng hải quân, Đô đốc Marsetio cho biết, nước này cần ít nhất 12 tàu ngầm mới có thể bảo vệ thích hợp vùng biển của Indonesia. Tờ Học giả Ngoại giao vừa đăng bài phân tích của tác giả Koh Swee Lean Collin đề cập tới việc hải quân của các nước Đông Nam Á đang chạy đua thành lập và phát triển lực lượng đổ bộ bên cạnh thúc đẩy các loại vũ khí phòng thủ như tên lửa, tàu quân sự và máy bay chiến đấu. Và việc này xuất hiện sau khi Trung Quốc đẩy mạnh hành động cùng tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của họ tại Biển Đông.
|
Hồng Thất Công
Theo Petrotimes