Cơn ác mộng tồi tệ
Friday, May 08, 2015 1:13 PM GMT+7
(PetroTimes) - Ngày 5-5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề cử Tướng Joseph Dunford thay thế tướng Martin Dempsey làm tân Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ (thứ 19).

Dư luận cho rằng, việc chọn một danh tướng nhiều kinh nghiệm cho thấy, Mỹ muốn đối phó có hiệu quả trước một Trung Quốc đang trỗi dậy không hòa bình. Cũng trong ngày 5-5, Hãng Bloomberg dẫn lời kêu gọi của một số quan chức Mỹ muốn Tổng thống Barack Obama hủy lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC.

Một số lãnh đạo trong Quốc hội và quân đội Mỹ muốn “loại trừ Trung Quốc”, đồng thời cảnh báo sự tích tụ quân sự của Bắc Kinh ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Và điều này cho thấy đang có chia rẽ trong nội bộ Chính phủ Mỹ xung quanh việc trừng phạt Trung Quốc khi Bắc Kinh ngày càng bành trướng tại Biển Đông. Trước đó, một số người cũng cảnh báo, Mỹ cần cảnh giác khi Trung Quốc “bồi đắp trên Biển Đông”.

Chuẩn bị cho xung đột

Ngày 5-5, tờ The Malaysian Insider đăng bình luận của chuyên gia Jamil Maidan Flores, nhà bình luận chính sách đối ngoại đến từ Jakarta, Indonesia cho rằng, hoạt động đảo hóa của Trung Quốc ở Trường Sa đang phá hoại và tác động đến môi trường Biển Đông. Do đó, vấn đề này phải được đưa ra tại các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc.

Trước đó (4-5), tờ Đa Chiều dẫn thông tin từ tờ The National Interest cho rằng, việc Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đã biến Biển Đông thành tiêu điểm chú ý của dư luận. Không những bị Philippines chỉ trích và kiện, Trung Quốc còn bị Mỹ và các nước hữu quan tẩy chay, phản đối, không chấp nhận.

Cơn ác mộng tồi tệ

Ông Charles Jose - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines

Tiến sĩ Wim Muller, nghiên cứu sinh tại Viện Hoàng gia về Các vấn đề quốc tế Chatham House (Anh) cho rằng, việc Trung Quốc đang biến các bãi đá ở quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo không giúp Bắc Kinh biến các yêu sách phi lý của họ thành hiện thực. Bởi các đảo nhân tạo không có vị thế như các đảo tự nhiên - không có vùng biển thuộc chủ quyền của một quốc gia và sự hiện diện của nó không ảnh hưởng tới việc phân định vùng biển thuộc chủ quyền và chúng chỉ có giá trị giống như giàn khoan dầu quy mô lớn.

Tiến sĩ Alexander Vuving đến từ Trung tâm Nghiên cứu an ninh Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ cũng từng nhấn mạnh, Trung Quốc cải tạo các bãi đá ở Biển Đông để biến chúng thành đảo nhân tạo nhằm tìm cách biến các yêu sách phi lý thành hiện thực.

Giáo sư Richard Heydarian đến từ Đại học De La Salle Manila, Philippines cũng đồng tình với nhận định của Tiến sĩ Wim Muller - việc Trung Quốc tăng tốc bồi đắp các bãi đá ở quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo nhằm biến “đường lưỡi bò” thành đường ranh giới có cơ sở pháp lý là nhiệm vụ bất khả thi. Giáo sư Alexander Proelss, thuộc Khoa Luật của Đại học Trier, Đức, cho rằng việc bồi đắp của Trung Quốc nhằm tạo áp lực chính trị đối với các nước hữu quan và đây là động thái đáng quan ngại.

Giáo sư Richard Heydarian đề xuất, ASEAN cần thay đổi chiến lược - thiết lập cơ chế “tiểu đa phương” trong ASEAN để thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Cơ chế này chỉ bao gồm các nước hữu quan như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Singapore. Giáo sư Alexander Proelss cho rằng, nếu các nước thành viên ASEAN đoàn kết thì Trung Quốc không thể thực hiện tham vọng độc bá Biển Đông.

Ngày 4-5, tờ The Wall Street Journal đăng bài phân tích của ông Michael Mazza đến từ Viện Doanh nghiệp Mỹ khuyến cáo, mất đoàn kết ở châu Á là cơ hội tốt cho Trung Quốc thực hiện mưu đồ.

Cơn ác mộng tồi tệ

Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Gregorio Pio Catapang Jr

Có thể sẽ gây chiến

Ngày 5-5, tờ National Interest (Mỹ) cho rằng, mặc dù đã có mẫu tiêm kích mới J-11D (cuối tháng 4 bay thử), nhưng Trung Quốc vẫn muốn mua chiến đấu cơ đa năng Sukhoi Su-35 của Nga để tăng khả năng khống chế Biển Đông. Trước đó, tờ Want China Times (Đài Loan) và Sina Military Network cho biết, mặc dù một số chuyên gia đã ví J-11D với Su-35, nhưng Bắc Kinh vẫn đang tìm cách sở hữu Su-35.

Bởi nếu sở hữu Su-35, Bắc Kinh mới có thể đối đầu với F-35 của Nhật Bản và Su-30MKI của Ấn Độ. Theo tờ The Diplomat, Bắc Kinh đang gặp khó khăn trong việc duy trì sự hiện diện thường trực tại vùng biển rộng gần 2,25 triệu km2, chiếm gần như 2/3 Biển Đông. Bởi chiến đấu cơ của Trung Quốc hiện chỉ có thể tuần tra trong một phạm vi hạn chế tại phía nam Biển Đông. Và để khắc phục điều này, Bắc Kinh rất cần có tầm hoạt động và tốc độ của Su-35.

Ngày 4-5, tờ China Daily đăng bài “Các công trình xây dựng trên Biển Đông nhằm thúc đẩy cứu hộ hàng hải”. Trong đó dẫn ý kiến của các chuyên gia quân sự Trung Quốc ngang nhiên nói rằng, những nỗ lực liên tục của Trung Quốc trong việc xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng trên các đảo và rạn san hô ở Biển Đông nhằm góp phần cải thiện khả năng tìm kiếm và cứu hộ trên biển của nước này và giúp đỡ các quốc gia khác!?

Cũng có không ít chuyên gia từng tuyên bố, chiến lược Biển Đông của Trung Quốc là cơn ác mộng tồi tệ nhất của châu Á. Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris từng chỉ trích Trung Quốc đang cải tạo đất chưa từng có để tạo ra một “Vạn lý trường thành” bằng cát trên Biển Đông.

Cơn ác mộng tồi tệ

Su-35 là mẫu máy bay thế hệ thứ 4 hiện đại nhất của Nga hiện nay

Ngày 3-5, tờ Thời báo Hoàn Cầu cảnh báo, Mỹ chớ nghĩ Trung Quốc mềm yếu ở Biển Đông. Trước đó (30-4), học giả David Archibald, thành viên thỉnh giảng tại Viện Chính trị quốc tế ở Washington DC khi bình luận trên tờ American Thinker đã khuyến cáo, Trung Quốc sẽ bắt đầu khơi mào một cuộc chiến tranh trong năm 2017 và điểm nóng tiềm tàng là quần đảo Trường Sa.

Và điều đáng nói là lựa chọn chiến tranh của Trung Quốc không liên quan gì đến việc đảm bảo nguồn cung năng lượng hay an ninh của các tuyến đường thương mại. Theo Tổ chức Tình báo quốc phòng chiến lược (SDI), Châu Á - Thái Bình Dương sẽ là thị trường quân sự lớn nhất thế giới với thị phần hơn 33% vào năm 2025. Và Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia sẽ dẫn đầu danh sách chi tiêu quân sự kể trên.

Những thực trạng cần quan tâm

Có học giả thẳng thắn tuyên bố, Trung Quốc đang chơi trò vừa ăn cướp vừa la làng ở Biển Đông. Ông Richard Bitzinger, chuyên gia an ninh khu vực thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore) đã bày tỏ sự kinh ngạc trước những luận điểm đạo đức giả của Trung Quốc - trong khi lên án các nước vi phạm, nhưng những hoạt động cải tạo đất và xây đảo nhân tạo của Bắc Kinh mới là hành động vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Tiến sĩ Ian Storey đến từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cũng cho rằng, với quy mô và kích cỡ các công trình cải tạo đất của Trung Quốc tại Trường Sa là hoàn toàn đi ngược lại với điều khoản “tự kiềm chế” trong DOC; và Bắc Kinh đã vi phạm DOC thông qua các hoạt động này. Tiến sĩ Euan Graham đến từ Viện Nghiên cứu Lowy, Australia cho rằng, cho dù các quốc gia khác có tiến hành xây dựng trên Trường Sa, nhưng không ai làm theo cách Trung Quốc đang làm.

Ngày 4-5, hội thảo “Xung đột ở Biển Đông: Luật pháp, chính trị và ngoại giao” do Tạp chí Journal of Political Risk (JPR) có trụ sở tại Mỹ tổ chức đã diễn ra tại thành phố New York với sự tham dự của khoảng 100, trong đó có một số học giả nổi tiếng (như Gordon Chang, Bill Hayton, Gregory Poling và David Denoon), cùng giới ngoại giao của nhiều nước.

Theo Tiến sĩ Anders Corr, Tổng biên tập Tạp chí JPR, những tham luận tại hội thảo sẽ được biên tập thành cuốn sách về Biển Đông do một nhà xuất bản uy tín tại Mỹ phát hành. Bởi các học giả đã bàn về những lựa chọn và cơ hội khác nhau mà các quốc gia tranh chấp cần tận dụng để giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế.

Đồng thời nhấn mạnh, những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông là nghiêm trọng. Học giả Benjamin Purser đến từ Đại học Colorado của Mỹ kiến nghị, Tòa án trọng tài quốc tế cần đưa ra phán quyết - những đảo nhỏ, đảo nhân tạo trên Biển Đông không được trao địa vị pháp lý như đặc quyền kinh tế và tài nguyên.

Francois Xavier Bonnet, nhà địa lý kiêm chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á người Pháp vừa có bài viết lật tẩy chiến lược “Không cần đánh mà làm kẻ địch khuất phục và triệt hạ sự kháng cự của kẻ địch mà không cần đánh” đang được Trung Quốc áp dụng ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, Ấn Độ và Singapore đã bày tỏ quan điểm chính thức của mình trong tuyên bố chung với Mỹ về căng thẳng do những tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Theo đó, các quốc gia tuyên bố chủ quyền giải quyết tranh chấp thông qua các định chế quốc tế như ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Diễn đàn khu vực ASEAN; tự do, an toàn hàng không, hàng hải và hoạt động thương mại không bị ngăn trở; các bên tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và Bắc Kinh phải “kiềm chế” hoạt động cải tạo đất trái phép ở Biển Đông.

Ngày 6-5, một quan chức quân sự của Hàn Quốc cho biết, quân đội nước này sẽ tập trận vào cuối tháng này nhằm răn đe những ai muốn tới quần đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima. Được biết, cuộc tập trận sẽ có sự tham gia của 5-6 tàu khu trục và tàu hộ tống cùng nhiều chiến đấu cơ và tuần tiễu, trong khi một đơn vị lính thủy đánh bộ thực hiện khoa mục đổ bộ.

Trong khi đó, giới truyền thông cho rằng, Mỹ không những ủng hộ Nhật Bản tham chiến ngoài xứ sở hoa Anh Đào, mà còn “sẵn sàng” bảo vệ Tokyo bằng cả vũ khí hạt nhân. Giới chuyên môn cảnh báo, nếu Mỹ - Nhật không hành động, Trung Quốc sẽ xưng bá Biển Đông. Trước đó (3-2), cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật bản Gen Nakataki từng tiết lộ, Tokyo có thể sẽ tuần tra cả trên trời lẫn trên biển ở Biển Đông.

 

Hồng Thất Công

Theo Petrotimes

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.