Họ cố tình suy diễn dù sự thật chỉ có một
Monday, August 13, 2012 8:15 PM GMT+7
Thông tin về việc mới đây, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn vừa thu giữ một số bản đồ Việt Nam do Trung Quốc xuất bản, có đoạn phân định quốc giới sai sự thật được bày bán công khai tại khách sạn Kim Lệ Hoa (xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) đã khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi về sự xuất hiện của những tấm bản đồ như thế?
Có vẻ như chúng được xuất hiện khá đúng thời điểm. Nói như vậy là bởi, năm 2012 có thể được coi là năm mà Trung Quốc gia tăng nhiều hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam có chủ đích; bằng nhiều cách khác nhau. Cũng là bởi, năm 2012 có thể coi là năm mà truyền thông Trung Quốc không ngừng gia tăng việc tuyên truyền về cái gọi là "đường lưỡi bò” phi lý do chính họ tự đặt ra. Và, cũng chính truyền thông Trung Quốc bằng cách này hay cách khác đã góp phần đắc lực làm cho dư luận Trung Quốc hiểu sai và từ đó có những đòi hỏi Nhà nước Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền phi lý với hơn 80 % diện tích Biển Đông - một hành động liên quan tới chủ quyền, quyền chủ quyền không tranh cãi của nhiều quốc gia trong khối ASEAN mà Việt Nam cũng là một quốc gia trong số này.
 
Câu chuyện về những tấm bản đồ sai sự thật nêu trên được nhắc đến trong công văn số 1606/HQLS-CBL gửi Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) mới đây. Theo như báo cáo của Cục Hải quan Lạng Sơn thì, số bản đồ bị thu giữ kể trên bao gồm: 1 bìa bao bọc bản đồ phân giới quốc tế Việt Nam - Lào - Campuchia chú giải song ngữ Anh - Trung, kích thước 13 x 20cm, 6 tấm bản đồ phân giới Việt Nam - Lào - Campuchia chú giải song ngữ Anh - Trung, loại in màu, kích thước 52 x 75cm. Tại các tấm bản đồ này có đoạn phân định quốc giới sai sự thật. Ngoài ra, còn có 5 tấm bản đồ du lịch Trung - Việt, chú giải bằng chữ Trung Quốc, khổ 52 x 75cm. Trước khi bị phát hiện, khách sạn Kim Lệ Hoa đã bán được 3 tấm bản đồ cho du khách. Những tấm bản đồ của Trung Quốc được thẩm lậu vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, có số lượng không phải là quá lớn. Sự việc cũng sẽ không có gì đáng nói nếu trong số đó không bao gồm những tấm bản đồ khổ lớn có đoạn phân định quốc giới sai sự thật; mà cụ thể là việc "đường lưỡi bò” được thể hiện rõ trên các tấm bản đồ này. Chiến công của các cán bộ hải quan và chiến sĩ biên phòng Lạng Sơn đã cho thấy sự tận tâm với công việc của họ. Cùng với đó là sự thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước dân tộc và nhân dân- một tinh thần rất cần được nhân lên không chỉ ở các cơ quan công quyền mà còn trong quần chúng nhân dân.
Tuy nhiên, điều đáng nói nhất từ sự việc những tấm bản đồ sai sự thật kể trên ấy chính là câu chuyện về những trò tiểu xảo của Trung Quốc khi cho xuất bản và tìm cách đưa nó vào Việt Nam. Nhất là, trong bối cảnh nhạy cảm khi hai nước đang có những tranh cãi liên quan về chủ quyền ở vùng Biển Đông. Nói về những tiểu xảo của Trung Quốc, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân đã từng khẳng định rằng: Không chỉ in bản đồ một cách đơn lẻ mà từ lâu ngay cả trong các sách địa lý phổ thông, nếu có phần thể hiện bản đồ thì chắc chắn cái "đường lưỡi bò” phi lý do Trung Quốc tự nghĩ ra sẽ xuất hiện. Ông Quân còn cảnh báo, không loại trừ khả năng tới đây họ (Trung Quốc) sẽ cho in các bản đồ sai sự thật bằng cả tiếng Việt. Lời cảnh báo ấy cũng là một ý kiến đáng lưu tâm. Bởi, nếu điều đó xảy ra cũng có nghĩa, họ đang cố tìm cách thực hiện cho được mưu đồ nham hiểm của mình. Đó chính là làm cho dư luận Trung Quốc, dư luận thế giới và kể cả Việt Nam hiểu sai về những vấn đề liên quan đến vùng biển vốn từ xưa đến nay chưa bao giờ là thuộc về Trung Quốc. Họ đang muốn, thậm chí là rất muốn không chỉ người dân Trung Quốc mà nhân dân thế giới (trong đó có người dân Việt Nam) hiểu lầm rằng: Vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam- vùng biển vốn không có tranh chấp giờ đang có tranh chấp. Đây có lẽ mới là cái đích chính để họ cho in ấn, xuất bản và phát hành những loại bản đồ như những cái đã đưa lậu vào Việt Nam. Họ biết rõ, những tấm bản đồ loại này chẳng có chút giá trị nào về mặt pháp lý và vì thế, cũng không thể đem ra đấu tranh trên trường quốc tế. Nhưng, nếu chúng (đó là nói tới những tấm bản đồ sai sự thật kia) được xuất hiện ngày càng nhiều, tại nhiều nơi, bằng nhiều thứ tiếng thì Trung Quốc sẽ có cơ sở nuôi hy vọng, tạo dư luận trong nhân dân thế giới về cái gọi là "đường lưỡi bò”. Trung Quốc, cùng với đó, chắc chắn cũng nuôi hy vọng- dù chỉ mong manh rằng: Dư luận thế giới một khi hiểu sai thì sẽ có những phản ứng có lợi cho họ trong cuộc "đấu” giành chủ quyền trên Biển Đông với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Sự nham hiểm chính ở chỗ này, đổi trắng thay đen cũng là ở đây.
Chỉ có điều, Trung Quốc dường như đã đánh giá chưa đúng đối tượng khi cố tìm cách tuyên truyền bằng mọi giá về một "đường lưỡi bò” phi lý, thiếu căn cứ khoa học, không dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Trên thực tế, từ nhiều năm nay, nhằm củng cố cho đòi hỏi phi lý về chủ quyền của họ ở Biển Đông, Trung Quốc đã đi khắp thế giới để thu thập, mua lại các châu bản của các triều đình phong kiến Việt Nam liên quan đến chủ quyền không tranh cãi của ta ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đương nhiên, mua lại để ỉm đi chứ ai lại mang ra trưng thì chẳng hoá lộ "cái đuôi cáo” của họ. Ấy cũng là một cái thâm hiểm của họ.
Về câu chuyện "đường lưỡi bò”, TS. Hoàng Trọng Lập - người nhiều năm gắn bó với các nghiên cứu chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông cho rằng: Trung Quốc đã rất "cuống” khi chúng ta hoàn thành việc nộp Báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa Việt Nam ngoài 200 hải lý theo đúng quy định của LHQ vào năm 2009. Hành động chính thể hiện sự mất bình tĩnh của Trung Quốc, theo đánh giá của TS. Lập chính là việc, họ lần đầu tiên công bố yêu sách "đường lưỡi bò” vào cùng năm. Nói về câu chuyện này, có thể vắn tắt như sau. Ngày 7-5-2009, tức là ngay sau khi chúng ta hoàn tất việc nộp các báo cáo (kể cả báo cáo riêng của Việt Nam và báo cáo chung với Malaysia), phía Trung Quốc đã gửi công hàm phản đối lên Tổng Thư ký LHQ và lần đầu tiên chính thức khẳng định yêu sách "đường lưỡi bò”. Về việc này, ngày 8-5-2009, Phái đoàn Việt Nam tại LHQ cũng đã ngay lập tức gửi công hàm phản đối công hàm của Trung Quốc, và khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa. Bình luận về "đường lưỡi bò” do Trung Quốc tự vẽ ra vào năm 2009, TS Lập khẳng định: Nó hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, không có toạ độ cụ thể. Như vậy là đã rõ ràng, "đường lưỡi bò” ấy không thể và không bao giờ được cộng đồng quốc tế công nhận, nhất là khi đã có sự quy định chi tiết, cụ thể trong UNCLOS 1982.
Kể từ thời điểm tháng 5-2009 đến nay, Trung Quốc không ngừng gia tăng các hoạt động nhằm cố gắng hợp thức hoá "đường lưỡi bò” phi lý của họ như tiếp tục đi thu thập các châu bản cổ của Việt Nam; liên tục tổ chức các hoạt động nhằm cố gắng để cộng đồng quốc tế hiểu sai về vùng biển không có tranh chấp thành vùng biển có tranh chấp bằng các hoạt động cụ thể trên thực địa, theo kiểu nước "cá lớn nuốt cá bé” như: ban hành lệnh cấm đánh bắt cá, gọi thầu dầu khí trong vùng thềm lục địa Việt Nam và đặc biệt, họ sử dụng rất mạnh kênh truyền thông vào mục đích này. Tuyên truyền bằng mọi cách, với mọi giá- đó là chiến thuật mà Trung Quốc vẫn sử dụng trước nay. Những tấm bản đồ có đường phân định quốc giới sai sự thật nằm trong số đó. Những văn bản lịch sử có giá trị pháp lý rõ ràng nhất, cơ sở để chúng ta đấu tranh về chủ quyền với Trung Quốc mạnh nhất chính là những châu bản triều Nguyễn đã được Uỷ ban Biên giới Quốc gia Việt Nam công bố bằng cả tiếng việt và tiếng Anh như: Châu bản triều Nguyễn ngày 13 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), Châu bản triều Nguyễn ngày 19 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838)… cùng nhiều châu bản khác đã và sẽ được công bố rộng rãi tới đây. Tuy nhiên, kể cả khi họ bí thế mà đem những tấm bản đồ được nguỵ tạo từ năm này, năm nọ; không loại trừ cả những tấm bản đồ du lịch, theo dạng cho thẩm lậu vào Việt Nam vừa qua thì lẽ phải cũng không thể mà đứng về phía họ. Bởi, nguyên tắc đấu tranh pháp lý trong cuộc đấu tranh về biên giới lãnh thổ theo công pháp quốc tế trước hết phải tính đến giá trị pháp lý từ những châu bản của các triều đình phong kiến cổ xưa-mà châu bản triều Nguyễn của chúng ta là cơ sở quan trọng nhất. Sau đó, có chăng mới đến mấy cái thứ nguỵ tạo kia; mà chắc chắn không được công nhận. Bằng chứng là, sau những động thái gần đây của Trung Quốc dư luận thế giới đã bày tỏ sự phản ứng khá quyết liệt. Đơn cử ví dụ: Lần đầu tiên trong lịch sử Thượng viện Mỹ đã ra Nghị quyết số 524 có nói đến Hoàng Sa và Trường Sa; cũng lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố về tình hình Biển Đông. Xem ra, Trung Quốc đã có chút tính nhầm khi cứ cố tình dấn tới trong vấn đề Biển Đông. Vậy thì, những tấm bản đồ nguỵ tạo kể trên liệu còn có ý nghĩa gì trong kế hoạch nhiều thâm ý của họ?
 
Hoàng Mai
____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.