Thời báo Hoàn cầu vu cáo Việt Nam “thách thức chủ quyền của Trung Quốc”
Thursday, March 29, 2012 5:27 AM GMT+7
Vnsea.net: Ngày 21/3/2012, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đăng xã luận với nhan đề “Các nhà sư ra Trường Sa là âm mưu mới của Việt Nam”, tiếp tục xuyên tạc lịch sử, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đi ngược lại “Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”.

Thời báo Hoàn cầu cho rằng: Động thái gần đây của các cơ quan chức năng Việt Nam nhằm “thách thức chủ quyền của Trung Quốc tại Trường Sa”; Việt Nam tuyên bố sở hữu 3 chùa Phật giáo tại 3 đảo ở Trường Sa và cử 6 nhà sư tới để tu hành; Việc cử các nhà sư ra các đảo là một phần trong kế hoạch của Việt Nam nhằm tuyên bố chủ quyền vĩnh viễn đối với quần đảo Trường Sa và gọi đây là kế hoạch “núp dưới chiêu bài tôn giáo”… Đồng thời cáo  buộc “Việt Nam dùng luật rừng ở Trường Sa” và “Trung Quốc phải xem xét các biện pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề này”.

Để chứng minh cho những lập luận “mang tính khiêu khích” nêu trên, Thời báo Hoàn cầu phân tích: “Các đảo này là một phần thuộc chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc nhưng lại bị miền Nam Việt Nam xâm chiếm từ năm 1973 và đến nay vẫn chưa được trả về Trung Quốc kể từ sau khi Việt Nam thống nhất đất nước. Chính quyền Việt Nam sau đó đã xâm chiếm thêm 6 đảo khác ở khu vực này. Trong giai đoạn 1978-1998, Việt Nam đã chiếm thêm 23 đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa của Trung Quốc”. “Trung Quốc thường xuyên bị các cường quốc nước ngoài đe dọa. Năm 1933, thời điểm Pháp chiếm đóng Việt Nam, Lào, Campuchia, đã dùng vũ lực đuổi ngư dân Trung Quốc khỏi Trường Sa và tuyên bố các đảo này thuộc chủ quyền của họ. Sau đó, Trường Sa và Hoàng Sa lại bị Nhật chiếm đóng năm 1939 sau khi đánh bại thực dân Pháp. Sau Thế chiến thứ II, Trung Quốc thuộc bên thắng trận đã nhận được 2 quần đảo này từ phía Nhật năm 1946 theo tinh thần của Tuyên bố Cairo năm 1943 và Tuyên bố Postdam năm 1945”.

Cuối bài xã luận, Thời báo Hoàn cầu nhận định và “hăm dọa”: Luật rừng vẫn tiếp tục thống trị. Nếu các tuyên bố ngoại giao của Trung Quốc tiếp tục không thể ngăn được việc chủ quyền bị xâm phạm thì Trung Quốc phải xem xét các biện pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề này.

Về vấn đề này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị tại cuộc họp báo thường kì ngày 22/3/2012 đã nêu rõ: "Việc các tăng sĩ được tiến cử làm nhiệm vụ Phật sự tại các chùa trên đảo thuộc huyện đảo là hoạt động dân sự bình thường. Thời điểm lên đường và thời gian lưu trú sẽ do các tăng sĩ quyết định". Trước đó, Thường trực Ban trị sự tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa đã thỉnh trình nguyện vọng của 6 nhà sư muốn ra trụ trì các chùa tại Trường Sa và đã được UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận. 6 nhà sư tình nguyện ra trụ trì các chùa ở Trường Sa gồm Thượng tọa Thích Tâm Hiện, các Đại đức Thích Giác Nghĩa, Thích Ngộ Thành, Thích Thánh Thành, Thích Đạo Biên, Thích Đức Hỷ…

Tại sao Thời báo Hoàn cầu lại “lu loa” một hoạt động dân sự bình thường như việc các nhà sư hành đạo tại các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam là “kiên quyết vi phạm chủ quyền của Trung Quốc”, là “núp dưới chiêu bài tôn giáo”? Bản chất của sự việc này rất đơn giản, nếu “đuối lí” thì phải “to mồm”, mà việc này các báo mạng Trung Quốc lại rất “thạo”.

Về lịch sử: Trung Quốc đã trích dẫn nhiều dẫn chứng trong các sách địa lý để chứng minh chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Nam Châu dị vật chí của Vạn Chấn (thời Tam Quốc, 220-265), Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi (đời Tống, 1178), Chư phiên chí của Triệu Nhữ Quát (đời Tống, 1225), Đảo di chí lược của Vương Đại Uyên (đời Nguyên, 1349), Đông Tây dương khảo của Trương Nhiếp (1618), Vũ bị chí của Mao Nguyên Nghi (1628), Hải quốc văn kiến lục viết dưới đời Thanh, Hải Lục của Vương Bính Nam (1820), Hải quốc đồ chí của Ngụy Nguyên (1848) và Doanh hoàn chí lược của Bành Ôn Chương (1848)…. Qua nghiên cứu thấy rằng, đúng là các đảo này đã được ghi nhận và mô tả trong đó nhưng chúng chỉ dừng lại ở việc ghi chép những hiểu biết của người Trung Quốc đương thời về địa lí, lịch sử, phong tục… các nước thuộc khu vực Đông Nam Á và Nam Á và đường hàng hải từ Trung Quốc ra nước ngoài, không có bất kì sự ghi chép nào về việc nhân dân Trung Quốc "đến hai quần đảo này hàng hải, sản xuất". Các tác phẩm đó chỉ được xem như các tài liệu chứng minh sự hiểu biết chung các địa điểm chứ không có ý nghĩa đáng kể trong pháp lí, nhờ đó, có thể đặt hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Trong khi đó, các tài liệu lịch sử của Việt Nam rất nhiều, khớp với các tài liệu nước ngoài đáng tin cậy cho phép kết luận ngay rằng, từ lâu và liên tục trong hàng mấy trăm năm, từ triều đại này đến triều đại khác, Nhà nước Việt Nam đã làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều bản đồ, tập địa đồ hay sách địa lý nước ta chỉ rõ, các quần đảo là một bộ phận của nước ta, cụ thể là: Giáp Ngọ Bình Nam Đồ (1774), Đại Nam Nhất Thống toàn đồ (1838), Đại Nam Nhất Thống chí (1882)… Sự quản lý thật sự các quần đảo cũng xuất hiện trong nhiều tài liệu khác của Việt Nam. Những tài liệu quan trọng nhất có thể kể ra là: Đại Nam thực lục tiền biên (1884) và Đại Nam thực lục chính biên (1848), Đại Nam nhất thống chí (1882),…

Về những viện dẫn Thời báo Hoàn cầu: Theo Quyết định Postdam tháng 8/1945 giữa Liên Xô, Anh và Mỹ, Trung Hoa Dân quốc được giao tiếp nhận việc giải giáp quân Nhật từ vĩ tuyến 16o trở lên. Vì lý do này, Tưởng Giới Thạch đã chiếm đóng Hoàng Sa vào năm 1946. Và cũng làm như vậy với quần đảo Trường Sa mặc dù không được đồng minh ủy quyền. Dựa vào sự có mặt này, vào năm 1947, Bộ Nội vụ của Chính phủ Trung Quốc thời kì đó đã phát hành một tập bàn đồ trong đó thể hiện Trung Quốc bao gồm cả các quần đảo này. Cần khẳng định rằng, điều này không có nghĩa là nước này đã có các quyền “lịch sử” trên các đảo này, bởi vì sự bao gộp này hết sức muộn mằn và gắn liền với những hoàn cảnh đặc biệt. Từ năm 1950, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa lặp lại các yêu sách của Trung Hoa Dân quốc nhưng không chỉ đối với Hoàng Sa mà cả Trường Sa.

Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này (1884-1956), chính phủ Pháp ở Đông Dương đã liên tục thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hiệp ước Giáp Thân (1884) là Hiệp ước được Triều đình Huế kí với nước Pháp công nhận sự bảo hộ của Pháp. Kể từ đây, Pháp thay mặt Việt Nam trong những quan hệ ngoại giao với nước ngoài bên cạnh việc đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, trong đó có việc tiếp tục thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 23 tháng 9 năm 1930, Pháp thông báo cho các nước thứ ba biết việc nước này chiếm hữu quần đảo Trường Sa. Tháng 4 năm 1933, việc chiếm hữu 6 đảo nhỏ đã được tổ chức trang trọng bằng việc “Công bố quyền thủ đắc do chiếm cứ các đảo do các đơn vị hải quân Pháp thực hiện”. Đáp lại sự khẳng định chủ quyền đó, Trung Quốc im lặng. Cùng năm này, Thống đốc Nam Kỳ là M. Krautheimer đã kí một Nghị định sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa…

Tính đến thời điểm kết thúc giai đoạn này (1939), Pháp đã thay mặt Việt Nam tiếp tục thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quốc gia này chưa từng tuyên bố bỏ các đảo, để có thể tạo ra một quyền cho bên thứ ba. Điều này có nghĩa là chủ quyền đã có từ xa xưa của Việt Nam vẫn luôn được duy trì.

Năm 1947, chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là nội dung chính được bàn thảo trong các cuộc thương lượng giữa Pháp với Trung Hoa Dân quốc. Các đối thoại này không có kết quả gì đảng kể nhưng chúng là dịp để nước Pháp khẳng định lại các quyền của mình và đề nghị đưa vụ việc ra trước Trọng tài…

Ngay trước khi kết thúc chiến tranh, qua Tuyên bố Cairo năm 1943, nguyên thủ của các chính phủ Mỹ, Trung Quốc và Anh “thông báo rằng, họ trù định giành lại của Nhật Bản tất cả các đảo ở Thái Bình Dương đã bị nước này cưỡng đoạt hay chiếm đóng từ khi khởi sự Chiến tranh thế giới thứ nhất và trả lại Trung Hoa dân quốc tất cả các lãnh thổ đã bị Nhật cướp của Trung Hoa, như là Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ và trục xuất Nhật Bản khỏi tất cả các lãnh thổ khác mà Nhật đã chiếm được bằng vũ lực.”

Tất nhiên, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc các lãnh thổ khác, không thuộc các lãnh thổ của Trung Quốc bị “cướp đoạt”.

Thêm nữa, năm 1951, Mỹ và Anh đứng ra triệu tập Hội nghị San Francisco. Theo các khoản của điều 2 của Hòa ước, Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và yêu sách đối với một số lãnh thổ, trong đó có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có một sự kiện đáng chú ý liên quan đến hai quần đảo này là, theo yêu cầu của ông Gromyko (đại diện của Liên Xô), trong phiên họp toàn thể trong ngày 5/9/1951, Nhật Bản phải thừa nhận chủ quyền của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đối với một loạt lãnh thổ, trong đó có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng đề xuất này đã bị 46 nước trong số 51 nước có mặt ngày hôm đó bác bỏ.

Đặc biệt, ngày 28/4/1952, khi đến lượt mình kí một hòa ước với Nhật, Trung Hoa Dân quốc đã ghi nhận việc từ bỏ mọi quyền của Nhật đối với các đảo nhưng không đưa vào Hiệp ước này bất kì yêu sách nào đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nếu như khung cảnh của San Francisco ít thuận tiện để yêu sách của họ đạt được kết quả thì một cuộc đàm phán song phương là rất thuận lợi. Thế nhưng văn bản chỉ đề cập tới sự từ bỏ của Nhật mà không đưa ra một điều gì, sự công nhận nào từ phía Nhật rằng các đảo này thuộc Trung Quốc.

Việc không khẳng định bất kì yêu sách nào với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong dịp có bản Tuyên bố Cairo và việc thừa nhận song phương sự từ bỏ của Nhật Bản mà không đưa ra yêu sách của chính mình cho phép kết luận là, Trung Hoa Dân quốc, nước bảo đảm sự liên tục của Chính phủ Trung Quốc duy nhất trước đó, đã từ bỏ các quyền của mình đối với các hòn đảo tranh chấp.

Đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã ba lần sử dụng vũ lực để xâm chiếm: năm 1956 đối với bộ phận phía Đông của quần đảo Hoàng Sa; năm 1974 đối với bộ phận phía Tây quần đảo Hoàng Sa; và năm 1988 đối với một số đá, bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa. Chính sách pháo hạm này của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế và đi ngược lại với xu thế trên thế giới và trong khu vực giải quyết hoà bình mọi tranh chấp giữa các nước.

Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình đồng thời tôn trọng nguyên tắc không đe doạ dùng vũ lực hay dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp, trước sau như một chủ trương giải quyết bằng thương lượng hoà bình mọi tranh chấp giữa hai nước, trong đó có vấn đề hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa./.

Đức Tiến

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.