Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
07 Tháng Mười 2019 8:32 CH GMT+7
(GDVN) - Ngày 23/6/1994, Việt Nam đã phê chuẩn và chính thức trở thành thành viên chính thức của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Luật Biển quốc tế đang có hiệu lực hiện nay là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (tiếng Anh: The United Nations Convention on the Law of the Sea, viết tắt là UNCLOS 1982).

Văn bản của Công ước này được thể hiện bằng các ngôn ngữ Ả Rập, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha.

Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực đã dịch văn bản Công ước từ tiếng Pháp, tiếng Anh ra tiếng Việt. 

Năm 1973, Liên Hợp Quốc triệu tập Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 để thảo luận và thông qua Công ước Luật Biển mới.

Sau 5 năm trù bị (1967-1972) và qua 9 năm thương lượng (1973-1982), trải qua 11 khóa họp ngày 30/4/1982, Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Luật Biển lần thứ 3 đã thông qua được một Công ước mới, gọi là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, với tỷ lệ 130 phiếu thuận, 4 phiếu chống, 17 phiếu trắng và 2 nước không tham gia bỏ phiếu.

Sau đó, ngày 10/12/1982, tại Montego Bay (Jamaica), 118 Đoàn đại biểu quốc gia đã chính thức ký Công ước. Công ước có hiệu lực từ ngày 16/11/1994.

Việt Nam là một trong 130 nước bỏ phiếu thông qua và sau đó năm 1982 cùng 117 nước khác ký kết Công ước tại Vịnh Montego (Jamaica).

Ngày 23/6/1994, Việt Nam đã phê chuẩn và chính thức trở thành thành viên chính thức của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (Ảnh minh họa: IE).

Công ước được xây dựng theo nguyên tắc “cả gói”, bao gồm tất cả mọi khía cạnh liên quan đến Luật Biển.

Công ước bao gồm 17 phần với 320 điều khoản, 9 Phụ lục, 4 Nghị quyết kèm theo, chứa đựng 1.000 quy phạm pháp luật quốc tế.

Đây là một văn kiện pháp lý quốc tế tổng hợp, toàn diện, bao hàm tất cả những nội dung quan trọng nhất trong luật pháp và thực tiễn quốc tế về biển và đại dương thế giới.

Trong đó, quan trọng nhất là thống nhất phương pháp xác định phạm vi không gian của các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các nước ven biển, quy định rõ ràng các quyền và nghĩa vụ của mọi quốc gia, có biển và không có biển, phát triển hay đang phát triển, trên nhiều lĩnh vực như an ninh, bảo vệ môi trường, thăm dò khai thác tài nguyên thiên nhiên, giao thông liên lạc, nghiên cứu khoa học và công nghệ…trên các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia, cũng như các vùng biển nằm ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia. Cụ thể là:

Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải

Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng Lãnh hải (gọi tắt là Đường cơ sở) là căn cứ để xác định chiều rộng và giới hạn phạm vi của Lãnh hải, Vùng tiếp giáp Lãnh hải, Vùng đặc quyền về kinh tế (thường gọi là Vùng đặc quyền kinh tế), Thềm lục địa.

Điều 7, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đã quy định phương pháp thiết lập đường cơ sở như sau:

- Ở nơi nào bờ biển bị khoét sâu hay lồi lõm hoặc có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển, phương pháp đường cơ sở thẳng nối liền các điểm thích hợp có thể được sử dụng để kẻ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

- Ở nơi nào bờ biển cực kỳ không ổn định do có một châu thổ và đặc điểm tự nhiên khác, các điểm thích hợp có thể được lựa chọn theo ngấn nước triều thấp nhất nhô ra xa nhất và ngay cả trong trường hợp về sau, ngấn nước triều thấp nhất có chuyển dịch vào bờ, các đường cơ sở đã được vạch ra vẫn có hiệu lực cho tới khi các quốc gia ven biển sửa đổi đúng theo Công ước.

- Tuyến đường cơ sở không được đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển và các vùng biển ở bên trong các đường cơ sở này phải gắn liền với đất liền đủ đến mức được đặt dưới chế độ nội thuỷ.

- Các đường cơ sở thẳng không được kéo đến hoặc xuất phát từ các bãi cạn lúc nổi lúc chìm, trừ trường hợp ở đó có những đèn biển hoặc các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước hoặc việc vạch các đường cơ sở thẳng đó đã được sự thừa nhận chung của quốc tế.

- Trong trường hợp mà phương pháp kẻ đường cơ sở thẳng được áp dụng theo khoản 1, khi ấn định một số đoạn đường cơ sở có thể tính đến những lợi ích kinh tế riêng biệt của khu vực đó mà thực tế và tầm quan trọng của nó đã được một quá trình sử dụng lâu dài chứng minh rõ ràng.

- Phương pháp đường cơ sở thẳng do một quốc gia áp dụng không được làm cho lãnh hải của một quốc gia khác bị tách khỏi biển cả hoặc một vùng đặc quyền về kinh tế.

Điều 8, Luật Biển Việt Nam quy định: “Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố.

Chính phủ xác định và công bố đường cơ sở ở những khu vực chưa có đường cơ sở sau khi được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn”.

Theo quy định này thì Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam ngày 12/11/1982 vẫn còn hiệu lực.

Theo đó, “đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam là đường thẳng gẫy khúc nối liền các điểm có toạ độ ghi trong phụ lục kèm theo Tuyên bố này”.

Thực hiện Điều 8 của Luật Biển Việt Nam, thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục công bố bổ sung một số đoạn đường cơ sở thẳng còn thiếu hoặc chưa phù hợp.

Nội thuỷ

Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 quy định: “Các vùng nước ở phía trong đường cơ sở dùng để tính chiều rộng Lãnh hải là Nội thuỷ của quốc gia ven biển” (Điều 8).

Theo định nghĩa này, Nội thuỷ bao gồm cửa sông, vũng, vịnh, cảng biển và vùng nước ở phía trong đường cơ sở và giáp vời bờ biển; vùng nước lịch sử cũng theo chế độ Nội thuỷ. Nội thuỷ được coi như là bộ phận lãnh thổ trên đất liền của quốc gia ven biển.

Điều đáng lưu ý là khi một đường cơ sở thẳng được vạch ra theo đúng phương pháp mà gộp vào Nội thuỷ các vùng nước trước đó chưa được coi là nội thuỷ thì quyền đi qua không gây hại nói trong Công ước vẫn được áp dụng ở các vùng nước đó.

Điều 9 và 10 của Luật Biển Việt Nam năm 2012 quy định Nội thuỷ của Việt Nam là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.

Lãnh hải

Theo Luật Biển quốc tế hiện đại, “vùng nước lãnh thổ” được gọi là “Lãnh hải” (Territorial Sea, Territorial Water), không gọi là “Hải phận” hay “Vùng biển” chung chung.

Nó là một vùng biển ven bờ nằm ngoài và tiếp liền với lãnh thổ đất liền hoặc Nội thuỷ của quốc gia ven biển, có một bề rộng nhất định được đo tính từ đường cơ sở của quốc gia ven biển đó.

Đối với Quốc gia quần đảo, Lãnh hải nằm ngoài và tiếp liền với lãnh thổ và vùng nước quần đảo của Quốc gia quần đảo đó.

Đối với các đảo riêng lẻ hay nằm trong một quần đảo không phải là Quốc gia quần đảo, nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn được quy định tại Điều 121, Công ước Luật Biển 1982, thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển, nhưng nằm ngoài phạm vi lãnh hải của quốc gia này, thì lãnh hải của từng đảo này cũng được xác định như trên.

Chiều rộng Lãnh hải do quốc gia ven biển tự xác định không quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở theo đúng các tiêu chuẩn chung do Công ước Luật Biển 1982 quy định.

Khi gọi “Vùng biển Việt Nam” nên hiểu đó là tên gọi chung cho cả Nội thuỷ, Lãnh hải, vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa.

Khi gọi “Lãnh hải Việt Nam" nên hiểu đó là tên gọi của một vùng biển rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

Vùng tiếp giáp lãnh hải

Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã quy định rằng: Một vùng biển ở ngoài và tiếp liền với Lãnh hải gọi là Vùng tiếp giáp lãnh hải.

Vùng tiếp giáp lãnh hải không thể mở rộng quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

Như vậy, vùng tiếp giáp lãnh hải theo định nghĩa của Công ước Luật Biển 1982 có chiều rộng không quá 12 hải lý.          

Điều 13, Luật Biển Việt Nam quy định: “Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài Lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài lãnh hải”.

Vùng đặc quyền về kinh tế

Vùng đặc quyền kinh tế lần đầu tiên được ghi nhận trong Công ước Luật Biển 1982. Đây là một vùng biển đặc thù, trong đó quốc gia ven biển có những thẩm quyền riêng biệt nhằm mục đích kinh tế, tuân theo những quy định của Công ước Luật Biển 1982.

Điều 57, Công ước Luật Biển 1982 quy định chiều rộng Vùng đặc quyền kinh tế “không được mở rộng ra quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Lãnh hải”.

Phù hợp với quy định của Công ước 1982, Luật Biển Việt Nam quy định cụ thể: Vùng đặc quyền về kinh tế của Việt Nam là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài Lãnh hải Việt Nam, hợp với Lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ cơ sở.

Theo đó, chiều rộng thật sự của vùng Đặc quyền về kinh tế là 188 hải lý, nếu chiều rộng Lãnh hải của Quốc gia ven biển xác định là 12 hải lý.

Phạm vi không gian của Vùng Đặc quyền kinh tế theo quy định của Luật Biển còn được mở rộng tới đáy và lòng đất dưới đáy và lên vùng trời tương ứng với phần nước biển của Vùng Đặc quyền về kinh tế.

Thềm lục địa

Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã định nghĩa Thềm lục địa pháp lý như sau:

“Thềm lục địa của quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn” (Điều 76).

Như vậy, Thềm lục địa pháp lý theo định nghĩa này bao gồm toàn bộ Rìa lục địa (Thềm lục địa tự nhiên, Dốc lục địa và Bờ ngoài của Rìa lục địa).

Ở nơi nào Rìa lục địa không ra đến 200 hải lý thì Thềm lục địa pháp lý được mở rộng ra đến 200 hải lý.

Ở nơi nào Rìa lục địa vượt quá 200 hải lý thì ranh giới ngoài của Thềm lục địa được xác định bằng cách nối các điểm ở nơi mà bề dày trầm tích ít nhất cũng bằng 1% khoảng cách từ các điểm đó đến chân dốc lục địa, hoặc nối các điểm cách chân dốc lục địa nhiều nhất là 60 hải lý.

Tuy nhiên, dù được xác định như trên, giới hạn tối đa của Thềm lục địa cũng không được vượt quá 350 hải lý hay không được cách đường đẳng sâu 2.500m quá 100 hải lý.

Đối với các đảo xa bờ của quốc gia ven biển, nếu thích hợp cho con người sinh sống và có đời kinh tế riêng, thì mới có vùng Thềm lục địa riêng của các đảo đó.

Tiến sỹ Trần Công Trục

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.