Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối
04 Tháng Sáu 2021 7:05 CH GMT+7
Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.

Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo này. Tuy nhiên, hiện nay, có nhiều quốc gia trong khu vực có ý muốn xác lập chủ quyền phi pháp đối với một phần hoặc toàn bộ 2 quần đảo. Đó là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam.

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối - Ảnh 1.

Lực lượng Cảnh sát biển tập luyện, sẵn sàng chiến đấu, thực thi nhiệm vụ trên biển. (Ảnh tư liệu Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển)

Ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng phân tích cơ sở pháp lý vững chắc của Việt Nam trong quá trình xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo nhằm có cơ sở lý luận để phản bác các lập luận sai trái về chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Trước hết, cần khẳng định: Luật Quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, là thước đo hợp pháp mà mọi chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật quốc tế đều phải tuyệt đối tuân thủ. Đối tượng điều chỉnh của luật quốc tế gồm nhiều lĩnh vực nhưng chủ yếu là mối quan hệ chính trị giữa các quốc gia, trong đó có vấn đề lãnh thổ.

Trong luật quốc tế có một khái niệm rất quan trọng quy định về việc thiết lập chủ quyền của một quốc gia đối với một vùng lãnh thổ mới, đó là khái niệm "thụ đắc lãnh thổ". Nguyên tắc cơ bản để xác lập hợp pháp danh nghĩa chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia là phải dựa vào các phương thức thụ đắc lãnh thổ hợp pháp; chủ thể xác lập danh nghĩa chủ quyền phải có tư cách quốc gia và phải được tiến hành trên một đối tượng lãnh thổ phù hợp (lãnh thổ vô chủ hoặc lãnh thổ bị bỏ rơi).

Bên cạnh đó, quốc gia muốn được công nhận là chủ sở hữu vùng đất mới, ngoài việc là chủ thể đầu tiên phát hiện thì phải tiếp theo đó có các hành động thực tế là thông báo về việc chiếm hữu và duy trì quyền lực một cách phù hợp trên vùng đất đó.

Xét về quá trình thụ đắc lãnh thổ, Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ khi còn là "đất vô chủ". Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất thực hiện chủ quyền đối với 2 quần đảo này hòa bình, liên tục và không gặp phải sự phản đối của bất kỳ quốc gia nào.

Cụ thể là, thứ nhất, quá trình phát hiện và chiếm hữu của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế. Ngay từ thế kỷ XVII, với tư cách nhà nước Đại Việt, chính quyền Đàng Trong đã bắt đầu chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Có rất nhiều tư liệu chính thống ghi nhận về vấn đề này, đó là các ấn bản sách cổ, chỉ dụ, sắc phong, các tấm bản đồ cổ được lưu giữ tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, điển hình như: "Phủ biên tạp lục" (hoàn thành năm 1776) của Lê Quý Đôn; "Lịch triều hiến chương loại chí" (1809-1819) của Phan Huy Chú; "An Nam đại quốc họa đồ" (xuất bản năm 1838) của giám mục người Pháp Louis Taberd; "Đại Nam nhất thống toàn đồ" (vẽ năm 1834, xuất bản năm 1838)...

Đặc biệt, bộ Atlas thế giới của nhà địa lý Philipe Vandemaelen xuất bản năm 1827 tại Bỉ đã vẽ và miêu tả rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của Vương quốc An Nam.

Như vậy, có thể khẳng định, quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp khi chủ thể xác lập danh nghĩa chủ quyền là chính quyền Đàng Trong, đại diện cho nhà nước Đại Việt và khi đó, Hoàng Sa, Trường Sa vẫn đang là những lãnh thổ vô chủ.

Thứ hai, Việt Nam đã duy trì quyền lực thực tế tại 2 quần đảo một cách công khai, liên tục. Năm 1816, vua Gia Long chính thức tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Trước đó, các chúa Nguyễn thành lập các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, trao nhiệm vụ khai thác, tuần tiễu, thu thuế và bảo vệ 2 quần đảo.

Cùng với việc xác lập chủ quyền, chính quyền phong kiến Việt Nam đã có nhiều hoạt động thực tế nhằm duy trì chủ quyền đối với 2 quần đảo. Chính quyền nhà Nguyễn đã cho dựng bia, cắm mốc chủ quyền trên các hòn đảo và tổ chức đơn vị hành chính tại Hoàng Sa.

Thời Pháp, với tư cách là đại diện cho Nhà nước Việt Nam về mặt đối ngoại theo Hiệp ước Patenotre (1884), chính quyền thực dân Pháp đã tiến hành bảo vệ và quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo đúng thủ tục pháp lý đương đại. Pháp đã chính thức tuyên bố kế thừa và quy thuộc 2 quần đảo vào các tỉnh đất liền, đặt quân đồn trú, xây cột mốc chủ quyền, xây hải đăng, trạm khí tượng, trạm vô tuyến điện trên 2 quần đảo.

Điểm đáng chú ý, các hành động của chính quyền phong kiến Việt Nam và chính quyền thực dân Pháp liên quan đến vấn đề xác lập, tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa lúc bấy giờ không gặp phải sự phản đối của bất cứ quốc gia nào.

Sau năm 1954, các chính thể miền Nam Việt Nam đã liên tục thực thi chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước và hoạt động thực thi chủ quyền. Sau khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng và tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam, Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Năm 1982, Chính phủ đã quyết định thành lập các đơn vị hành chính huyện Hoàng Sa thuộc TP Đà Nẵng và huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Như vậy, suốt hàng trăm năm qua, ngay sau khi có những hoạt động tuyên bố chủ quyền, các chính quyền Việt Nam đã liên tục duy trì quyền lực thực tế của mình tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chủ quyền của Việt Nam hiện nay đối với Hoàng Sa và Trường Sa có tính kế thừa quốc gia. Việt Nam không chỉ thừa hưởng quyền mà còn sẵn sàng chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế của các chính quyền trước. Đó là điều kiện đủ, là căn cứ vững chắc, không thể chối cãi để pháp luật quốc tế công nhận chủ quyền tuyệt đối của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hiện nay, quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa ngày càng cam go, phức tạp. Chủ trương của Đảng và Nhà nước trong bảo vệ chủ quyền biển đảo nói chung, chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng là kiên quyết, kiên trì tiến hành những biện pháp hòa bình, trong đó có việc áp dụng các quy định của luật pháp quốc tế để mang lại nhận thức chung cho dư luận tiến bộ trên thế giới, ủng hộ công cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. 

Luôn sẵn sàng tinh thần chiến đấu bảo vệ chủ quyền

Cùng với Hải quân, lực lượng Cảnh sát biển với vai trò nòng cốt trong thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển luôn phát huy được xác định là lực lượng chủ công trong cuộc đấu tranh này. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu quản lý, thực thi pháp luật trên biển trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Do đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ, nắm chắc quy định của pháp luật quốc tế, rèn luyện ý chí quyết tâm cao, luôn sẵn sàng tinh thần chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của đất nước.

Theo nld.com.vn

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.