Hải chiến Hoàng Sa 1974: Sống chết gạt bỏ sang một bên
18 Tháng Giêng 2014 9:40 CH GMT+7
Ông Phạm Ngọc Roa (64 tuổi, thôn Tân Hưng, xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), một người trực tiếp chiến đấu trong Hải chiến Hoàng Sa cách đây 40 năm, nhớ lại: Khi ấy, chúng tôi rất quyết tâm, sống chết gạt bỏ sang một bên...

Nổ súng giữ đảo
Ông Phạm Ngọc Roa đang kể về trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974

Mặc dù trận hải chiến ấy xảy ra cách đây đã 40 năm (ngày 19/01/1974), nhưng trong ký ức của ông Phạm Ngọc Roa vẫn rõ mồn một. Ngày ấy, ông Roa là sĩ quan mang hàm trung úy làm nhiệm vụ phụ tá sĩ quan hải hành (chịu trách nhiệm an ninh cho tàu khi đi trên biển) trên khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Theo ông Roa, trước khi trận hải chiến xảy ra, HQ-4 đang hoạt động ở vùng biển ngoài khơi Quảng Ngãi và khi nhận được lệnh thì ngày 17/01/1974 đã có mặt ở vùng biển Hoàng Sa.

“Lúc đầu hải quân VNCH có 3 chiến hạm là HQ-4, HQ-5, HQ-16, còn phía Trung Quốc có 7 chiến hạm. Sau đó Bộ tư lệnh Hải quân VNCH tăng cường thêm chiếc hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 do thiếu tá Ngụy Văn Thà làm hạm trưởng. HQ-4 là chiến hạm hiện đại nhất của Hải quân VNCH lúc bấy giờ (VNCH chỉ có 2 chiếc khu trục hạm), và được trang bị 2 khẩu đại bác 76,2 ly phòng không, sử dụng bằng điện”, ông Roa kể.

Cũng theo ông Roa, khi chiếc HQ-4 có mặt ở vùng quần đảo Hoàng Sa thì tàu Trung Quốc đã có mặt ở đó khoảng 4 - 5 ngày trước. “Tình hình đã rất nghiêm trọng, có mặt 3 ngày trước trận hải chiến thì anh em đều không ngủ được. Tàu 2 bên đã rất gần nhau, có lúc chỉ cách nhau hơn một cây số. Ngay tại đây, trung tá Vũ Hữu San, Hạm trưởng HQ-4, đã chỉ đạo anh em dùng quang hiệu và loa phát thông báo cho phía Trung Quốc biết rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam từ lâu rồi, yêu cầu phía Trung Quốc rút lui, tuy nhiên không có kết quả gì”, ông Roa nhớ lại.

Nổ súng giữ đảo2
Ông Roa cùng tấm ảnh chiếc HQ-4

Ông Roa kể tiếp, sáng 19/01/1974, lực lượng biệt hải của VNCH đổ bộ lên một đảo chính thuộc quần đảo Hoàng Sa để chiếm lại đảo, nhưng quân Trung Quốc ở đó đông gấp 10 lần quân VNCH, họ dàn hàng ngang tràn xuống, cuộc đổ bộ thất bại. Sau khi rút quân đổ bộ, đại tá Hà Văn Ngạc, chỉ huy trưởng cuộc chiến, ra lệnh các tàu nổ súng. Lúc này Hải quân VNCH chia làm 2 cánh, HQ-4, HQ-5 ở mạn nam còn HQ-10, HQ-16 ở mạn bắc. HQ-10 là chiếc khai hỏa đầu tiên (thông lệ bắn một phát lên trời như để “chào hỏi”), sau đó tất cả 4 chiếc đồng loạt nổ súng - trận chiến kéo dài chừng 30 phút.

Cũng theo ông Phạm Ngọc Roa, lúc này ông được giao nhiệm vụ trực chiến ở đài ra đa, và nhìn thấy đài chỉ huy của chiếc HQ-10 chớp sáng do bị trúng đạn. Trong khi đó, đài chỉ huy của HQ-4 cũng bị trúng một trái đạn nhưng nhờ có kết cấu kín, có góc cạnh nên sau khi đạn nổ đã đâm thẳng vào ra đa nơi ông Roa đang đứng, làm ông bị thương ở đùi phải. Ra đa sụp, ông Roa chạy ra hông của đài chỉ huy thì thấy cột ra đa của tàu bị xén một nửa, dây treo theo cột đều bị đứt.

“Mất ra đa, mọi cách xác định mục tiêu, khoảng cách đều không còn chính xác… Có đến 3 chiến hạm của Trung Quốc đón đầu HQ-4; chúng dồn hỏa lực về phía HQ-4 vì nghĩ đây là chiếc tàu hiện đại nhất trong 4 chiếc nên cố tiêu diệt. Trong khi đó, một khẩu đại bác trước tàu HQ-4 bị hỏng, súng phóng ngư lôi thì không có đạn (khi nhận bàn giao không có đạn), khả năng tác chiến của tàu sụt giảm nghiêm trọng. Lúc này HQ-4 coi như bị hỏng một nửa, thấy HQ-5 (soái hạm) quay đầu ra và HQ-4 đi theo, cuộc chiến chấm dứt. HQ-4 bị trúng 67 phát đạn, 2 người chết và khoảng 20 - 30 người bị thương. Chính mắt tôi trông thấy bên tàu Trung Quốc có một chiếc bốc khói và một chiếc đâm vào đảo”, ông Roa cho biết.

Nổ súng giữ đảo3
Vợ chồng ông bà Phạm Ngọc Roa - Lò Thị Đồng Tâm trước ngôi nhà của mình

Ông Phạm Ngọc Roa cho hay: “Khi tàu đang chạy về hướng Qui Nhơn được khoảng 5 tiếng đồng hồ thì nhận được lệnh phải quay lại Hoàng Sa chiến đấu, nếu có điều gì không may thì các anh cứ ủi vào đảo. Chiếc HQ-4 quay lại và khi cách Hoàng Sa khoảng 30 hải lý, lúc này ra đa đã sửa xong và nhìn trên màn hình thấy tàu Trung Quốc dàn 3 chiếc phía trước. Mặc dù biết khó sống sót nhưng anh em chấp hành lệnh nghiêm chỉnh và sẵn sàng tác chiến, nhưng rồi lại nhận được lệnh từ Bộ Tư lệnh Hải quân quay về Đà Nẵng. Tại Đà Nẵng, chúng tôi được lệnh chuẩn bị để tổ chức phản công nhưng sau đó lại thôi…”.

“Sau 3 ngày căng thẳng, khi nhận được lệnh chiến đấu thì ai cũng quyết tâm chứ không sợ sệt gì cả, sống chết gạt bỏ sang một bên. Đây là cuộc chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biển đảo của chúng ta. Đất của mình, đảo của mình mà họ vô cớ đến dùng sức mạnh lấn ép, chiếm, thì chúng ta dù có yếu đi nữa cũng sẽ chiến đấu để bảo vệ… Khi rút lui khỏi trận chiến, chúng tôi biết muốn trở lại Hoàng Sa sẽ khó khăn hơn. Chúng tôi cảm thấy bất lực, không nhận được sự giúp đỡ khi chiến đấu với đối thủ mạnh hơn rất nhiều. Tất cả anh em đều buồn vì người lính đã không hoàn thành nhiệm vụ… Tôi mong ước một ngày nào đó, quần đảo Hoàng Sa phải trở lại với đất nước Việt Nam chúng ta…”, ông Phạm Ngọc Roa tâm sự.

Bài ảnh: Gia Bình

Theo TNO

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.