Lúc 9g06, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện một máy bay chiến đấu loại JH-7 của Trung Quốc. Máy bay này đã thực hiện tổng cộng bốn vòng bay phía trên các tàu của ta ở độ cao 700-1.000m. Đến 9g28, máy bay của Trung Quốc bay về hướng bắc ra khỏi tầm kiểm soát của ta. Đến 11g30, lực lượng của ta tiếp tục phát hiện một máy bay cánh bằng của Trung Quốc số hiệu B-3808 bay hai vòng phía trên tàu cảnh sát biển Việt Nam 8003 ở độ cao 250m.
Khi các tàu cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 khoảng cách từ 6-6,5 hải lý để tuyên truyền và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan cùng các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam thì ngay lập tức Trung Quốc cho các tàu bảo vệ, cơ động áp sát, sử dụng súng phun nước và sẵn sàng đâm va vào các tàu của ta.
Cụ thể, lúc 8g08, các tàu cảnh sát biển Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc ra khỏi vùng biển của Việt Nam trên hướng tây nam - nam tây nam của giàn khoan Hải Dương 981 đã bị ba tàu của Trung Quốc áp sát và sử dụng súng phun nước.
Đặc biệt, đến 9g, tàu cảnh sát biển 8003 của ta đã bị sáu tàu của Trung Quốc mang số hiệu 2112, 46101, 35101, 33102, 3411, 33006 lao ra ngăn cản và sẵn sàng chủ động đâm va.
15 phút sau, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện có 69 tàu Trung Quốc các loại ở phía nam - tây nam giàn khoan Hải Dương 981.
Trong đó có 9 tàu hàng, 35 tàu cá vỏ sắt, 2 tàu kéo, 1 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá bảo vệ cho giàn khoan Hải Dương 981.
Trong khi đó, thông tin từ Cục Kiểm ngư cho biết trong ngày 19/05, số tàu của Trung Quốc quanh khu vực giàn khoan đã tăng thêm hai tàu, nâng tổng số tàu ngoài hiện trường lên 136. Trung Quốc vẫn duy trì bốn tàu quân sự. Những tàu này đã di chuyển ra khu vực đảo Tri Tôn để neo.
Trong ngày 19/05, khi các tàu kiểm ngư tiến vào cách khu vực giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 5 hải lý đã bị tàu hải cảnh của Trung Quốc cản phá quyết liệt. Tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm va, phun nước gây một số thiệt hại. Dù lực lượng kiểm ngư Việt Nam đã dùng nệm gắn bên ngoài cửa để hạn chế tác động của nước nhưng một tàu của ta vẫn bị nước tràn vào cabin, hệ thống điện bị chập, hệ thống điều hòa bị hỏng. Ngay sau đó, những hư hỏng này đã được khắc phục tại chỗ để tiếp tục làm nhiệm vụ.
Đáng chú ý, các tàu cá vỏ sắt Trung Quốc đã cơ động gần nhóm tàu cá vỏ gỗ của các ngư dân Việt Nam và sẵn sàng đâm va vào các tàu cá của ngư dân ta. Tàu Trung Quốc tập trung thành nhóm 8-10 tàu phối hợp với tàu cá vỏ sắt (mạn xung quanh được gia cố bọc thép) vây ép, phun nước, sẵn sàng đâm va vào tàu cá và tàu chấp pháp của Việt Nam ở khu vực cách giàn khoan từ 5-7 hải lý. Có khoảng 30 tàu cá đã chủ động vây ép, đâm va, uy hiếp tàu cá của Việt Nam. Tuy nhiên, ngư dân của ta vẫn tiếp tục đấu tranh đòi ngư trường để tiếp tục sản xuất.
Ngày 19/05, đoàn công tác của Cục Kiểm ngư do ông Nguyễn Ngọc Oai (phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cục trưởng Cục Kiểm ngư) và lãnh đạo các phòng thuộc cục đã có mặt tại hiện trường khu vực giàn khoan để trực tiếp chỉ đạo và động viên lực lượng kiểm ngư.
MY LĂNG
Theo TTO