Giữa biển khơi chỉ có hai mùa mưa-nắng, thời tiết ở Trường Sa vô cùng khắc nghiệt. Nắng, nóng, sóng và gió biển được coi là đặc sản của nơi này. Thế nhưng điều khiến bất cứ ai khi đặt chân đến những đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa đều không khỏi ngạc nhiên bởi đảo được phủ một màu xanh của cây lá. Mỗi đảo như một “Công viên xanh” giữa biển khơi. Để có được màu xanh ấy, bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp, cá nhân, quân dân Trường Sa đã vượt qua khó khăn, nỗ lực bền bỉ và sáng tạo trong cải tạo môi trường, tạo nên màu xanh yên bình của làng quê Việt giữa nắng gió biển khơi.
Chiến sĩ đảo Trường Sa chăm sóc cây xanh.
Không còn là những hòn đảo chỉ toàn cát trắng và san hô, Trường Sa hôm nay đã thay da đổi thịt. Xen giữa những công trình mái ngói đỏ tươi là hàng ngàn cây xanh đâm chồi, nảy lộc vươn mình trong nắng gió mặn mòi của biển cả. Sau những giờ huấn luyện trên thao trường, cán bộ chiến sĩ trên đảo đều dành thời thời gian chăm sóc cây xanh, tăng gia sản xuất. Ở Trường Sa không phải cây nào trồng xuống cũng phát triển. Vì thế chiến sĩ Đinh Văn Miễn luôn coi cây xanh như người bạn của mình. Miễn chia sẻ: “Chăm sóc cây xanh ở Trường Sa rất tỉ mỉ và tốn nhiều công sức hơn trong đất liền. Giữa nắng gió biển khơi, chăm sóc cây xanh, cây cảnh là cả một nghệ thuật, còn mỗi chiến sĩ là những nghệ nhân”.
Với đặc thù về thổ nhưỡng ở Trường Sa chủ yếu là cát, san hô nên khả năng giữ nước rất hạn chế. Đất được mang từ đất liền ra nhưng do không khí có nồng độ muối cao nên chỉ sau 1 thời gian trồng cây, đất cũng bạc màu, nghèo dinh dưỡng. Thời tiết ở Trường Sa rất khắc nghiệt và chia 2 mùa rõ rệt. Mùa khô thì thiếu nước, mùa mưa thì bão, gió lớn. Vì vậy để có một cây xanh tươi tốt, tỏa bóng mát trên các đảo ở Trường Sa không phải là một việc làm dễ thực hiện.
Thượng tá Nguyễn Đình Dũng, Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây cho biết, để tạo màu xanh cho đảo, mang bóng mát cho cán bộ chiến sĩ trong huấn luyện, học tập và trên thao trường, CBCS luôn xác định rõ quyết tâm phủ xanh cho đảo. Đảo đã trồng rất nhiều loại cây từ đất liền mang ra nhưng đều không sống được. Sau một thời gian nghiên cứu và trồng thử nghiệm, ngoài bàng vuông, mù u thì các loại cây phi lao, tre, dừa rất hợp với thổ nhưỡng ở đảo Đá Tây.
Quân dân trên đảo Trường Sa trồng cây đầu năm.
Tuy nhiên việc ươm, trồng cây ở đảo được cán bộ chiến sĩ che chắn rất cẩn thận bởi gió biển lớn, gây cháy, khô héo lá. Những ngày sóng to, gió lớn hơi nước mặn tràn qua đảo, phủ khắp bề mặt, làm thổ nhưỡng ngày một cằn cỗi, cây chậm phát triển. Trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt và thiếu nước thì đảo đã tận dụng mọi nguồn nước ngọt và nguồn nước lợ để chăm sóc cây. Đến nay trên đảo Đá Tây, cây phát triển xanh tốt, tạo màu xanh rất đẹp cho đảo.
Được ví là “quần đảo bão tố”, ngoài thời tiết khắc nghiệt, Trường Sa luôn là điểm đầu “hứng trọn” tất cả những cơn bão trước khi vào đất liền nước ta. Cơn bão Tembin năm 2017 đổ bộ trực tiếp vào đảo Trường Sa, khiến hàng ngàn cây xanh bị quật gãy đổ, rau xanh trên đảo bị dập nát, nước biển cuốn trôi, hệ thống giếng nước ngọt của đảo nhiễm mặn hoàn toàn. Cuối năm 2021, bão Rai cũng đã gây thiệt hại lớn trên đảo Song Tử Tây khiến hơn 90% cây xanh trên đảo gãy, đổ. Những vườn rau, những thùng xốp, khay nhựa trồng rau xanh trên đảo, ngày thường đã ám đầy hơi muối. Bão quét qua, tất cả ngập trong nước biển. Bão qua đi, quân và dân trên các đảo lại tập trung nhân lực, vật lực khắc phục hậu quả, cải tạo cảnh quan môi trường, thau chua rửa mặn, trồng lại cây xanh, quy hoạch lại vườn rau xanh để nhanh chóng ổn định đời sống sinh hoạt và công tác.
Đại tá Trần Mạnh Chiến, Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quân chia sẻ, cây xanh ở Trường Sa không những tạo cảnh quan đẹp, điều hòa khí hậu, ngọt hóa đất đai, tạo bóng mát mà còn làm tốt vai trò che, chắn gió, bão, góp phần trực tiếp vào khả năng phòng thủ chiến đấu của quân, dân trên đảo. Việc phủ xanh các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa có ý nghĩa rất lớn trong việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế, quốc phòng tại Trường Sa, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường chính quy, xanh, sạch, đẹp trên các đảo để bộ đội và nhân dân Trường Sa yên tâm công tác, sinh sống lâu dài nơi đầu sóng, ngọn gió.
Hàng dừa Bến Tre trên đảo Phan Vinh.
Theo Thượng tá Phạm Anh Tuấn, Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Đảng ủy, BTL Vùng đã triển khai đồng bộ các giải pháp tổng thể nhằm phủ xanh, tạo bóng mát trên các đảo của huyện đảo Trường Sa, phối hợp với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu, chế tạo các loại máy lọc nước biển thành nước ngọt và thiết bị xử lý chất thải hữu cơ tại các đảo; quy hoạch khu vực đất trồng cây, xây dựng những vườn ươm cây giống để trồng tại các đảo; chở đất và cây giống, phân bón ra ươm trồng; tổ chức trồng và che, chắn gió, chắn sóng. Triển khai các mô hình hay, sáng tạo để xây dựng cảnh quan môi trường chính quy, xanh, sạch, đẹp trên các đảo.
Trong thời gian qua, Vùng 4 Hải quân đã tự ươm gần 60.000 giống cây các loại, phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị, các địa phương đưa hàng nghìn cây ra trồng nhằm phủ xanh Trường Sa với các giống cây: Mù u, Bàng vuông, Bàng ta, Tre, Phong ba, Bão táp, Phi lao, Nhàu… đến nay đã vươn lên xanh tốt.
Thượng tá Phạm Anh Tuấn khẳng định, để xây dựng Trường Sa luôn xanh rất cần sự đóng góp, ủng hộ của các địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài hướng về Trường Sa bằng những việc làm thiết thực, ủng hộ về vật chất và tinh thần để phủ xanh các đảo, xây dựng huyện đảo Trường Sa ngày càng chính quy, xanh, sạch, đẹp, vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió.
Cán bộ chiến sĩ đảo Sơn Ca chăm sóc cây xanh.
Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa bày tỏ, Quân dân Trường Sa rất trân trọng và cảm ơn sự quan tâm của các tổ chức chính trị xã hội, các địa phương và các đoàn thể đã quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ để cải tạo môi trường ở Trường Sa. Tuy nhiên theo ước tính, tỉ lệ phủ xanh ở Trường Sa đến nay mới chỉ đạt khoảng 45%, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt, huấn luyện chiến đấu của quân, dân trên các đảo. Để phủ xanh toàn bộ huyện đảo Trường Sa ước tính cần khoảng 70 nghìn cây xanh và khoảng 700 tấn phân bón các loại, bảo đảm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt mới có thể phủ xanh toàn bộ huyện đảo.
"Trong điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như hiện nay, để giúp cho cuộc sống của quân và dân huyện đảo Trường Sa có một môi trường sinh hoạt trong lành. Chúng tôi mong rằng các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan đoàn thể, các tỉnh thành, các cá nhân, các doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ cho quân dân Trường Sa nhiều giống cây hơn nữa để Trường Sa xanh hơn, gần hơn với đất liền", ông Lê Đình Hải mong muốn.
Anh Thái Minh Khai, người dân xã đảo Song Tử Tây bày tỏ, được sự quan tâm từ đất liền, khi tiếp nhận nhiều giống cây, chúng tôi rất phấn khởi. Bà con trên đảo cùng cán bộ chiến sĩ cùng nhau cải tạo đất, che chắn mặn, tiết kiệm nước để chăm bón, tưới cây cho cây phát triển xanh tốt. Mỗi cây xanh trên đảo không chỉ như người bạn, mang hình ảnh đất liền mà còn là “điểm tựa” giúp chúng tôi vượt lên những khó khăn nơi muôn trùng sóng gió, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Hàng dừa trên đảo Sơn Ca.
Nếu như trước đây Trường Sa chỉ có cây bàng quả vuông, cây phong ba, bão táp, thì nay nhằm hiện thực hoá chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng Trường Sa thành một huyện đảo có đủ các yếu tố mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, hàng ngàn cây xanh từ các tỉnh thành trong cả nước đã xuống tàu hành trình ra Trường Sa. Hiện các đảo đã có nhiều loại cây như hoa giấy, dừa chịu mặn, xoài, mít, ổi…Đặc biệt trên một số đảo còn xây dựng “Đường dừa Trường Sa”.
Mùa xuân đã tràn về trên khắp đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa. Nếu như trước đây, nơi này chỉ có hoa phong ba phớt xanh và hoa bàng vuông trắng tím, thì nay trên các đảo, sắc Xuân có sự hiện diện của nhiều loài hoa như hoa cúc, hoa hồng, hoa giấy, hoa phong lan và nhiều loài hoa khác tô điểm cho cuộc sống của quân dân huyện đảo, kéo gần khoảng cách giữa đảo xa với đất liền.
Trồng cây ở Trường Sa đã biến những hòn đảo khắc nghiệt trở nên tươi mới bởi màu xanh của cây trái. Những mầm xanh vươn lên trong nắng xuân như những “cột mốc xanh” giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên biển. Đó cũng chính là biểu tượng của ý chí, lòng dũng cảm, nỗ lực vượt khó, thích nghi với mọi hoàn cảnh của quân, dân nơi biển đảo xa xôi./.
Hưởng ứng chương trình “Vì Trường Sa xanh”, trong thời gian qua đã có nhiều địa phương, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tặng giống cây (cả cây bóng mát và cây ăn quả) và phân bón cho Trường Sa. Điển hình như UBND TP Cam Ranh tặng 20.000 cây (15.000 cây keo lá tràm, 5.000 cây bạch đàn); Huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre tặng 15.000 cây ăn quả các loại và cây bóng mát; Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định tặng 4.000 cây dừa, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định tặng 2.000 cây dừa; Công ty Cổ phần đầu tư kiến tạo hệ sinh thái Nông nghiệp Việt Nam tặng 1.000 cây lim, 1000 cây Chò chỉ; Công ty TNHH tập đoàn Pan tặng 14.000 cây phi lao, 830 cây mít, 2.000 cây ổi, 2.000 cây dừa và 1,4 tấn phân bón; Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau tặng 200 tấn phân bón. Đây là việc làm có ý nghĩa vô cùng thiết thực, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của các địa phương, các tổ chức và cá nhân đối với những khó khăn của quân dân huyện Trường Sa và cũng là thể hiện tình yêu với biển, đảo quê hương.