Dũng Tôn Ngộ Không
“Thằng Dũng Tôn Ngộ Không, gia đình hắn ra răng rồi? Hồi nớ bị giam ở nhà tù Lôi Châu (Trung Quốc) hắn là thằng khác người nhất, da khô, gầy nhom, nên đặt là Tôn Ngộ Không. Hắn ngủ thì mở mắt một bên như đang rình rình, hắn nhanh quá, cứ thoắt một cái là biến mất…” - những người lính Gạc Ma nhắc lại tính cách của từng đồng đội bằng ngôn từ của lính binh nhì, vô tư và vui nhộn. Dũng Tôn Ngộ Không là anh Dương Văn Dũng ở TP Đà Nẵng (đã qua đời vào năm 2017).
Cựu chiến binh Phạm Văn Nhân (ở giữa) luôn là tâm điểm bông đùa của anh em. Ảnh: Văn Chương
Nhớ lại đêm Sài Gòn cách đây 3 năm, tôi và cựu binh Gạc Ma Trần Đức Lợi từ TP Đà Nẵng vào bấm điện thoại gọi cho cựu binh Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Lanh. Chúng tôi đều chia sẻ cảm tưởng về cần có một bữa rượu nhiều kỷ niệm trong đêm Sài Gòn, nếu được ngồi ở một quán cóc ven bờ biển, có tiếng sóng biển rì rào, ít tiếng còi xe thì ý nghĩa tuyệt vời. Khi điện thoại đổ tiếng báo nhắc bên điện thoại của anh Lanh vang lên một ca khúc quen thuộc tràn ngập tiếng sóng biển.
Cựu binh Trần Đức Lợi khi giải ngũ, trở về cuộc sống bình thường ở Đà Nẵng và theo nghiệp kinh doanh. Sài Gòn là nơi anh Lợi có khá nhiều mối quan hệ, tuy nhiên, anh vẫn dành phần lớn thời gian để giao lưu với các cựu chiến binh. Anh Lợi bảo “để tau hú gọi thêm mấy anh em lính nữa tới giao lưu, càng đông càng vui, có đứa làm bảo vệ giờ này đã đổi ca”.
Tiếng cười nói vang lên trong ngôi nhà của anh Lanh nằm ở địa chỉ số 12, đường Bình Quới, phường 27, quận Bình Thạnh, TP HCM. Anh Lanh vẫn nói đặc sệt giọng Quảng Bình. Anh vén lưng áo chỉ vào những vết sẹo, trong đó vệt hằn rõ nhất dài hơn gang tay nằm ở bờ vai phải. Ngồi nói chuyện với anh tôi cảm nhận được “vết sẹo” đau và sâu nhất trong anh vẫn là những người lính đứng cạnh anh trong ngày 14/3/1988 đã không trở về, trong khi anh vẫn may mắn khi còn sống.
Gặp nhau trong bữa rượu, ban đầu là tiếng hỏi thăm gia đình râm ran, nhắc tên các anh em cùng thời, quê ở Nam Định, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Gia Lai, Bình Định,... sau đó là khoảng lặng. Không khí của cuộc giao lưu, sau những giây phút trầm xuống là nụ cười, lời chúc tụng bằng những ngôn từ của lính binh nhì. Những cái lắc đầu, đưa tay, nụ cười rung bần bật và kéo dài theo kiểu đám lính trẻ tinh nghịch hiện ra trên khuôn mặt các cựu binh. Ký ức về đời lính Trường Sa dường như ẩn náu sẵn đâu đó trong họ và chỉ chờ dịp là kéo họ trở lại thời tuổi trẻ.
Sáng 14/3/1988, anh em bộ đội vận chuyển vật liệu từ tàu HQ-604 lên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì bị tàu hải quân Trung Quốc bao vây. Khi đối phương đổ lính lên đảo, giật lá cờ Tổ quốc, đồng chí Trần Đức Thông, Chỉ huy cụm đảo đã ra lệnh: “Đồng chí nào biết bơi thì bơi ngay vào đảo để hỗ trợ cho các đồng chí trên đảo bảo vệ cờ”. Nghe mệnh lệnh đó, anh Lanh và 11 anh em nhảy xuống biển, sải tay bơi vào đảo trong lúc tiếng súng đã nổ và người lính Trần Văn Phương là người đang cầm cờ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma. Nguyễn Văn Lanh lập tức xông lên giành giữ và gương cao lá cờ khẳng định chủ quyền, mặc cho lính Trung Quốc thi nhau bao vây đâm lê, nổ súng vào cơ thể mình. Sau 33 năm, ký ức trên vẫn sâu đậm, nên dù ở phương trời nào, những người lính đảo vẫn tìm về với nhau.
Những người lính không có tuổi
Hàng năm, các cựu chiến binh Gạc Ma thường gặp gỡ tại TP Đà Nẵng để làm lễ tưởng niệm. Sau 33 năm trôi qua, anh em đều đã làm cha, nhiều người lên tới chức ông. Tuy nhiên, ngôn từ trong buổi gặp gỡ vẫn như những anh lính binh nhì.
Người có giọng nói hài hước nhất theo kiểu binh nhì, đó là cựu binh Phạm Văn Nhân, hiện sống ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Anh Nhân mỗi lần tới Đà Nẵng thì thường đi với bộ dạng của một lão nông quê lúa. Có lần tôi gặp anh và nhìn xuống đôi giày, túi xách trên tay và phì cười. Từ Bắc vào Nam, nhưng anh Nhân vẫn mang đôi dép tông Lào một quai, mặc chiếc áo trắng đã sờn chỉ, nụ cười rất tươi với hàm răng nâu của nước chè đặc và thuốc Lào. Nhiều năm sau ngày rời quân ngũ, anh Nhân trở thành một người mang dáng dấp của một lão nông quê mùa, chất phác ở đồng bằng Bắc Bộ, nhưng cách nói vẫn là lính trẻ.
Nụ cười kiểu binh nhì của cựu binh anh hùng Gạc Ma Nguyễn Văn Lanh. Ảnh: Văn Chương
Mỗi lần kể chuyện vui, buồn anh Nhân đều thừ người ra để thể hiện theo tâm trạng. Nhắc về những năm tháng bị Trung Quốc giam giữ ở nhà tù Lôi Châu, anh Nhân nói với giọng rề rà, diễn cảm lại thời khổ đau: “Ngày nào cũng như ngày nào, chẳng như ngày nào. À… à, lính tráng khổ nhất là đếch biết ngày nào về, nó căng thẳng đầu óc. Ha… ha, thế nên phải vượt ngục mà về, đi hết 13 ngày rồi lại bị bắt”.
Vì anh Nhân hay nói bông đùa kiểu lính tráng, nên khi anh xuất hiện ở dưới bậc thềm của Nhà khách T 20 Quân khu 5, trên đường Trường Sa, TP Đà Nẵng thì những người bạn ùa ra và buông lời trêu chọc, cùng với cái nhún vai, nụ cười sảng khoái. Mọi người kéo nhau vào phòng ngồi hỏi thăm chuyện gia đình.
Trong trận thảm sát Gạc Ma năm 1988, có 64 chiến sĩ hy sinh, còn anh Nhân và một số chiến sĩ bị Trung Quốc bắt và đưa về giam giữ tại nhà tù nằm trên bán đảo Lôi Châu. Đã nhiều năm trôi qua, nhưng ký ức đó luôn sống dậy. Mỗi khi anh em gặp nhau anh Nhân đều kể chuyện cũ, vừa nói, vừa cười, nhưng sâu thẳm là sự xót xa, căm giận.
Khi đứng trong căn phòng có treo bức tranh “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” của họa sĩ Bùi Lệ Trang trong buổi chia tay đồng đội Dương Văn Dũng bị mắc bệnh hiểm nghèo, cựu binh Phạm Văn Nhân vội chạy tới, chỉ tay vào bức tranh và nói rất to trước nhiều ống kính phóng viên bằng chất giọng của một lão nông “này, tôi nói các bố là nó rải quân trên đảo và bắn trùm lên, nói thật với các bố là phải nói thật”.
Năm 2016, đại diện báo Tiền Phong tại miền Trung đã kêu gọi nhiều nhà tài trợ, trong đó có Trường Đại học Đông Á hỗ trợ giúp cựu binh Dương Văn Dũng đang bị ung thư giai đoạn cuối tại Đà Nẵng. Trước khi rời Đà Nẵng, cựu chiến binh Phạm Văn Nhân đã gọi phóng viên ra và dúi vào tay phong bì 1 triệu (là tiền được tặng để mua vé xe) và nhắc khẽ: “Đừng nói với anh em trong đoàn, mang cái này giao lại giúp cho vợ, con thằng Dũng Tôn Ngộ Không. Vì ở quê anh thì lúa ăn quanh năm không hết, mà nó ở Đà Nẵng thì chả trồng được cây gì”.
(Còn nữa)