Ông Locsin, người chuẩn bị mãn nhiệm khi nhiệm kỳ của Tổng thống Rodrigo Duterte sắp kết thúc, cho biết hoạt động khai thác chung gặp phải các thách thức từ Hiến pháp Philippines, cũng như các vấn đề về “chủ quyền”.
Các cuộc đàm phán về khai thác chung ở Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc được đưa ra trong nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte. Ảnh: Reuters.
“Chúng tôi đã đi xa hết mức có thể một cách hợp hiến”, ông Locsin cho biết.
Philippines và Trung Quốc khởi động các cuộc đàm phán về khai thác chung trên Biển Đông kể từ năm 2018, hai năm sau khi ông Duterte - người được cho có chính sách với Trung Quốc mềm mỏng hơn người tiền nhiệm Benigno Aquino III - lên cầm quyền.
Manila và Bắc Kinh cũng đã thiết lập một nhóm làm việc đặc biệt để tìm cách triển khai dự án khai thác chung mà không “động chạm” đến vấn đề chủ quyền. Dù vậy, ông Locsin cho biết điều này không thể thực hiện mà không vi phạm hiến pháp Philippines, trừ khi Trung Quốc rút bỏ yêu sách.
Theo ngoại trưởng, đích thân ông Duterte kêu gọi hủy bỏ đàm phán. “Tổng thống đã lên tiếng… các cuộc thảo luận về dầu khí đã chấm dứt hoàn toàn. Không có điều gì bị hoãn - mọi thứ đã kết thúc”, ông nói.
“Ba năm đã qua và chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu của mình - phát triển nguồn năng lượng dầu khí, thứ rất quan trọng với Philippines. Nhưng chúng ta sẽ không đánh đổi chủ quyền, kể cả một phần trong đó”, ông Locsin tuyên bố.
Chưa rõ quyết định này được đưa ra từ hôm nào. Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila không phản hồi đề nghị bình luận của Reuters về thông tin trên.
Theo zingnews.vn