"Với Phần Lan và Thụy Điển, chúng tôi không có những khúc mắc giống như với Ukraine. Họ cứ việc gia nhập NATO. Nhưng họ phải hiểu rằng trước đó không có mối đe dọa nào, còn bây giờ, nếu (NATO) triển khai lực lượng và hạ tầng ở đó, chúng tôi buộc phải đáp trả và tạo ra mối đe dọa tương xứng với mối đe dọa nhằm vào chúng tôi", Reuters dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 29/6.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AFP).
Chủ nhân Điện Kremlin nhấn mạnh, mối quan hệ giữa Moscow với Helsinki và Stockholm khó tránh khỏi căng thẳng khi các nước này tìm cách gia nhập NATO.
"Mọi thứ vốn rất ổn, nhưng giờ đây có thể có một số căng thẳng, điều đó là chắc chắn và khó tránh khỏi khi họ tạo ra mối đe dọa với chúng tôi", ông Putin nêu rõ.
Cảnh báo được đưa ra không lâu sau khi NATO chính thức mời Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh. Hôm nay (29/6), chúng tôi quyết định mời Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của NATO và đồng ý ký kết các nghị định thư gia nhập", NATO ra tuyên bố chung tại cuộc họp thượng đỉnh đang diễn ra ở Madrid, Tây Ban Nha.
NATO cho rằng, việc 2 quốc gia Bắc Âu này gia nhập khối sẽ giúp họ cũng như khu vực châu Âu - Đại Tây Dương an toàn hơn, giúp liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt mở rộng quy mô.
Phần Lan và Thụy Điển vốn là những quốc gia trung lập, song giới chức các nước này bắt đầu xem xét lại chính sách an ninh sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ cuối tháng 2.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev cảnh báo Nga sẽ đặt nhiều vũ khí hạt nhân "sát cửa ngõ" Thụy Điển, Phần Lan khi hai nước vào NATO. "Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO không phải mối đe dọa mới với chúng tôi. Các quốc gia đó từng có quan hệ tương đối tốt đẹp với Nga, nhưng tranh chấp lãnh thổ và bất đồng với họ đã được dự báo trước. Chúng tôi đã sẵn sàng cho những bước đi đáp trả", ông Medvedev cho biết hôm 27/6.
NATO hiện có chung đường biên giới trên đất liền dài 1.215km với các quốc gia thành viên. Khi Phần Lan gia nhập NATO, con số này sẽ tăng lên 2.600km. Việc NATO mở rộng hiện diện ở "cửa ngõ" khiến Nga bất an bởi từ lâu Moscow coi đây là mối đe dọa lớn đối với an ninh của nước này. Đây được cho là một trong những lý do khiến Nga mở chiến dịch quân sự ở quốc gia láng giềng Ukraine.
Tổng thống Putin hôm qua một lần nữa nhấn mạnh, mục tiêu của "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine vẫn không thay đổi, đó là giải phóng vùng Donbass ở miền Đông Ukraine. Ông cho biết, quân đội Nga đang chiếm ưu thế và các hoạt động quân sự đang diễn ra đúng kế hoạch. Chủ nhân Điện Kremlin khẳng định không cần thiết đặt thời hạn kết thúc chiến dịch.
Trước đó, hồi cuối tháng 4, ông Putin từng tuyên bố, để Nga ký cam kết an ninh nhằm chấm dứt xung đột hiện nay, Ukraine cần giải quyết các vấn đề liên quan đến lãnh thổ Crimea và Donbass. "Chúng tôi không thể ký cam kết an ninh nếu các vấn đề lãnh thổ Crimea, Sevastopol và Donbass chưa được giải quyết", nhà lãnh đạo Nga nêu rõ. Tuy nhiên, đến nay, Ukraine tiếp tục khẳng định lập trường không nhượng bộ lãnh thổ.