Reuters dẫn nguồn tin từ các nhà ngoại giao NATO cho hay, trong khái niệm chiến lược mới của khối liên minh, Trung Quốc sẽ lần đầu được xếp là mối quan ngại. Tuy nhiên, các thành viên của NATO vẫn đang chưa thống nhất về cách mô tả nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, cũng như cách diễn đạt về mối quan hệ giữa Trung Quốc với Nga - đối thủ hàng đầu của NATO.
Các nhà lãnh đạo NATO trong một cuộc họp hồi tháng 3 (Ảnh: AP).
Theo các quan chức Mỹ, khái niệm chiến lược mới của NATO sẽ được công bố tại hội nghị thượng đỉnh của khối dự kiến diễn ra vào ngày 29-30/6 ở Tây Ban Nha và văn bản này dự kiến sẽ nêu ra các mối đe dọa từ Trung Quốc.
Cuối tuần qua, một quan chức Nhà Trắng bày tỏ sự tự tin rằng, khái niệm chiến lược của NATO sẽ có ngôn ngữ "mạnh mẽ" với Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh việc đàm phán để thống nhất nội dung văn bản này vẫn đang được tiến hành khi các bên chưa thống nhất được cách sử dụng từ ngữ.
Các nhà ngoại giao NATO nói, Mỹ và Anh đã thúc đẩy việc sử dụng những từ ngữ mạnh hơn nhằm phản ánh những gì họ coi là tham vọng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và mối lo ngại xung quanh tình hình Đài Loan - hòn đảo Bắc Kinh coi là lãnh thổ phải được thống nhất bằng mọi giá, kể cả dùng biện pháp vũ lực.
Trong khi đó, Pháp và Đức - 2 nền kinh tế hàng đầu châu Âu - dường như mong muốn chọn cách tiếp cận cẩn trọng hơn khi lần đầu đề cập tới "mối quan ngại" về Trung Quốc trong chiến lược của NATO, theo Reuters.
Hồi đầu tuần, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố, văn bản chiến lược của NATO sẽ "có cách diễn đạt chưa từng có tiền lệ về thách thức mà Trung Quốc đặt ra".
Một nguồn tin nói rằng, các thành viên NATO đang thỏa hiệp để có thể coi Trung Quốc là "thách thức có hệ thống", nhưng vẫn phải sử dụng những ngôn ngữ có tính cân bằng nhằm thể hiện "sự sẵn sàng hợp tác trên các lĩnh vực có lợi ích chung" với Bắc Kinh.
Ngoài ra, các nhà đàm phán trong NATO cũng đang tranh luận về cách mô tả quan hệ giữa Trung Quốc và Nga trong bối cảnh Moscow đang mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trung Quốc đang duy trì chính sách trung lập với cuộc khủng hoảng Moscow - Kiev, nhưng trong thời gian qua tăng nhập một số hàng hóa từ Nga, gián tiếp giúp Moscow chống đỡ lệnh trừng phạt dồn dập từ phương Tây.
Theo các nguồn tin, các nhà ngoại giao từ Séc và Hungary đã phản đối mạnh mẽ việc sử dụng cụm từ "tập hợp chiến lược" để mô tả về quan hệ Nga - Trung.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc, mục đích duy nhất của phương Tây khi đề cập tới các mối đe dọa từ Trung Quốc là nhằm kiềm chế và ngăn chặn sự phát triển của Bắc Kinh, cũng như duy trì vị thế lãnh đạo của Mỹ.
Anh gần đây đã mô tả Nga là "mối đe dọa trực tiếp, nghiêm trọng" và trong khi xem Trung Quốc là "thách thức chiến lược".
Báo cáo thường niên mới nhất của Lầu Năm Góc trước Quốc hội Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "đối mặt với thách thức do năng lực quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc và tham vọng toàn cầu của nước này".
Giới chức Mỹ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa Trung Quốc vào khái niệm chiến lược của NATO trong bối cảnh Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc lần đầu tiên trong lịch sử được mời tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO.
Một quan chức nói rằng, NATO muốn phát đi tín hiệu họ sẽ không "lơ là trước Trung Quốc" dù đang tập trung vào tình hình Ukraine.