"Cái gọi là phán quyết của Tòa trọng tài Biển Đông vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982). Phán quyết đó là bất hợp pháp và vô hiệu", phát ngôn viên Uông Văn Bân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời trong cuộc họp báo ngày 13-7.
Phát ngôn viên Uông Văn Bân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO TRUNG QUỐC
Theo ông Uông, Trung Quốc không chấp nhận cũng không công nhận và sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ yêu cầu hoặc hành động nào dựa trên phán quyết năm 2016.
"Trung Quốc mới là bên thượng tôn luật quốc tế khi không công nhận hay thực thi phán quyết đó", ngày 14-7 tài khoản Twitter của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lại lời của ông Uông.
Ngày 12-7-2016, sau 3 năm nhận được các đệ trình của Philipines và xem xét, Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII UNCLOS (gọi tắt là Tòa trọng tài về Biển Đông) đã ra phán quyết, trong đó bác bỏ quyền lịch sử mà Trung Quốc nêu ra để phục vụ cho yêu sách "đường 9 đoạn" trên Biển Đông.
Kể từ đó đến nay, Trung Quốc đã liên tục bác bỏ phán quyết, cho rằng tòa trọng tài không có thẩm quyền xử lý vụ việc do Philippines đệ trình. Tuy nhiên theo giới phân tích luật quốc tế, tòa hoàn toàn có thẩm quyền để giải quyết và đưa ra phán quyết.
Hôm 12-7-2022, nhân 6 năm tòa trọng tài ra phán quyết được xem như chiến thắng cho Philippines, Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo đã gọi phán quyết này là "cuối cùng" và "không thể tranh cãi".
Ông Manalo nhấn mạnh phán quyết là trụ cột trong chính sách và hành động của chính quyền mới của Philippines tại vùng biển tranh chấp, đồng thời bác bỏ những nỗ lực nhằm phá hoại quyết định mà ông nhấn mạnh là "không thể chối cãi" này.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa cũng lên tiếng thúc giục các bên tôn trọng phán quyết năm 2016 và chấm dứt các hành động "khiêu khích".
Trong họp báo ngày 13-7, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ vì sự lên tiếng trên. Theo ông Uông, Mỹ không phải là một nước trong khu vực và "phớt lờ các thực tế, lịch sử vấn đề Biển Đông, bóp méo luật pháp quốc tế".
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Việt Nam ủng hộ giải quyết tranh chấp này bằng các giải pháp, biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và UNCLOS 1982.
UNCLOS có vai trò như một khuôn khổ pháp lý điều chỉnh toàn bộ các hoạt động trên biển và đại dương, đã được thừa nhận ở phạm vi toàn cầu và nhiều lần được nhấn mạnh trong các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Năm 2021, Việt Nam cùng 11 nước khác đã thành lập Nhóm bạn bè UNCLOS và đến nay đã có hơn 110 quốc gia gia nhập. Nhóm bạn bè là một hình thức không chính thức và mang tính mở nhằm tập hợp một số nước có cùng quan tâm về một vấn đề cụ thể.