"Chúng ta phải dừng lại, đạt được thỏa thuận, chấm dứt tình trạng lộn xộn và chiến sự ở Ukraine. Hãy dừng lại và chúng ta sẽ tìm ra cách tiếp tục tồn tại. Không cần phải đi xa hơn, xa hơn sẽ là vực thẳm chiến tranh hạt nhân. Không nhất thiết phải đi đến đó", Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko trả lời phỏng vấn AFP hôm 21/7. Ông cho rằng, xung đột Nga - Ukraine nếu kéo dài sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường. Do vậy, ông hối thúc Ukraine chấp nhận các điều kiện Moscow đưa ra.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (Ảnh: Getty).
"Tất cả phụ thuộc vào Ukraine. Hiện tại, điểm đặc biệt của thời điểm này là cuộc chiến có thể kết thúc với những điều kiện dễ chấp nhận hơn với Ukraine... họ nên ngồi vào bàn đàm phán và cam kết không bao giờ gây ra mối đe dọa với Nga", Tổng thống Lukashenko nói.
Theo ông, Ukraine nên chấp nhận mất những vùng lãnh thổ đã bị Nga kiểm soát ở miền Đông và miền Nam nước này. "Giờ không còn gì để thảo luận, vấn đề này lẽ ra phải được thương lượng từ tháng 2 hoặc tháng 3", ông Lukashenko bình luận.
Belarus không chính thức tham gia vào cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine nhưng vẫn là một trong những đồng minh quan trọng của Nga. Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Belarus cho phép Nga đưa hàng chục nghìn binh sĩ tới nước này diễn tập. Mới đây, Belarus cũng tiến hành các cuộc tập trận sát biên giới Ukraine, làm dấy lên đồn đoán Belarus có thể tham gia vào chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Tổng thống Alexander Lukashenko tháng trước cáo buộc phương Tây đang tìm cách kéo Belarus vào cuộc chiến ở Ukraine, song ông khẳng định nước này không muốn can dự vào Ukraine trừ khi bị buộc phải hành động để đảm bảo an ninh quốc gia. Ngược lại, ông phương Tây đang tìm cách xung đột với Nga và kích động chiến sự ở Ukraine.
Xung đột Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang tháng thứ 6 song vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đầu tuần này ngầm thừa nhận Moscow đã thay đổi mục tiêu chiến dịch quân sự ở Ukraine vượt ra ngoài Donetsk và Lugansk ở vùng Donbass, mở rộng đến Kherson, Zaporizhzhia và một số vùng lãnh thổ khác. Lý do mà Moscow đưa ra là phương Tây tiếp tục "bơm" vũ khí tầm xa cho Kiev. Nga cho rằng các cuộc hòa đàm với Ukraine ở thời điểm này là "vô nghĩa" bởi Kiev đã phá vỡ những thỏa thuận đạt được hồi tháng 3 và chưa có ý định trở lại bàn đàm phán. Nga cảnh báo sẽ đưa ra những điều khoản khó khăn hơn nếu nối lại hòa đàm.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố, Kiev chỉ nối lại đàm phán khi Nga "bị đánh bại trên chiến trường". Giới chức Ukraine tin rằng quân đội của họ có thể lật ngược thế trận vào tháng tới khi tiếp nhận nhiều hơn vũ khí từ phương Tây. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm qua nói, ông tin rằng quân đội nước này có khả năng giành ưu thế trên chiến trường và gây thiệt hại lớn cho đối phương.