Asia Times đưa tin, Bộ Giao thông Philippines đã thông báo đã hủy 3 dự án đường sắt lớn hợp tác với Trung Quốc. Đây là 3 dự án được khởi động từ thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, chính trị gia có chiến lược xoay trục về phía Trung Quốc để đạt được các lợi ích về mặt kinh tế cho Philippines trong vài năm qua.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr (Ảnh: Reuters).
Theo quan chức ngành đường sắt Philippines Cesar Chavez, Trung Quốc đã không có hồi đáp khi chính quyền ông Duterte liên tục đề nghị Bắc Kinh cấp vốn cho các dự án nói trên. Trước đó, chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng "Xây, xây, xây" của chính quyền ông Duterte phụ thuộc rất lớn vào sáng kiến "Một vành đai, một con đường" do Trung Quốc khởi xướng.
Theo giới quan sát, động thái của chính quyền Marcos cho thấy, tân Tổng thống dường như đang nghiêm túc điều chỉnh lại chính sách với Trung Quốc sau thời kỳ nồng ấm dưới thời ông Duterte.
Philippines khởi động đàm phán các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc cấp vốn từ năm 2018. Ngân sách chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay ODA từ Bắc Kinh, bên cam kết sẽ đầu tư 24 tỷ USD cho Philippines khi ông Duterte sang thăm Trung Quốc vào năm 2016.
Trong số 27 thỏa thuận được ký kết giữa Trung Quốc và Philippines trong chuyến thăm của ông Duterte 6 năm trước, Trung Quốc ban đầu đồng ý cung cấp 9 tỷ USD khoản vay ưu đãi, bao gồm hạn mức tín dụng 3 tỷ USD với Ngân hàng Trung Quốc, và khoản đầu tư trực tiếp trị giá 15 tỷ USD từ các công ty Trung Quốc trong các dự án đường sắt, cảng, năng lượng và khai thác mỏ. Vào thời điểm đó, những thỏa thuận trên đều không nêu rõ thời hạn cụ thể để thực thi dự án.
Chính quyền mới của ông Marcos Jr đã bày tỏ cam kết kích hoạt lại các dự án bị đình trệ trị giá 5 tỷ USD trải dài trên các hòn đảo lớn của Philippines, nhưng cũng bày tỏ lo ngại về mức lãi suất rất cao của Trung Quốc so với các đối tác khác như Nhật Bản. Đầu năm nay, Philippines cũng đã đình chỉ các cuộc đàm phán kéo dài với Trung Quốc về việc hợp tác khai thác năng lượng chung tại khu vực tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Trung Quốc sau đó nói rằng, quan hệ với Philippines vẫn đang trong hướng đi tốt đẹp và đang hướng tới một kỷ nguyên mới dưới thời ông Marcos.
Thay đổi chiến lược
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, chính quyền ông Marcos có chiến lược khác biệt với định hướng xoay trục về phía Trung Quốc của ông Duterte. Cụ thể, chính quyền mới của Philippines sẽ có xu hướng theo đuổi cách tiếp cận cân bằng hơn giữa các cường quốc hơn là việc nghiêng về phía Bắc Kinh như người tiền nhiệm.
Theo thống kê của Bộ Công trình Công cộng và Đường cao tốc Philippines, chính quyền ông Duterte mới chỉ hoàn thành 12/119 dự án trong chiến lược "Xây, xây, xây" và không đạt được mục tiêu đặt ra.
Mặt khác, Philippines đang có mức nợ cao nhất trong 16 năm vào năm ngoái và thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng trong bối cảnh chi tiêu phục hồi hậu Covid-19. Vì vậy, chính quyền ông Marcos đang rất cần nguồn tài chính từ bên ngoài cho chương trình nghị sự cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của họ.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ là các dự án có sự tham gia của đối tác Trung Quốc trong nhiều năm qua chưa đạt được thành công như kỳ vọng. Từ năm 2016-2022, chính quyền ông Duterte gần như không thu hút được khoản đầu tư lớn nào từ Trung Quốc.
Theo Asia Times, nói theo một cách khác là Trung Quốc đã hứa hẹn đầu tư vào nhiều dự án ở Philippines, nhưng họ chưa thực hiện được như cam kết. Trước đó, nhiều chuyên gia nhận định, chiến lược xoay trục của ông Duterte đã không thành công như mong đợi vì nó chỉ tạo ra những lời hứa chưa thành hiện thực từ Bắc Kinh dù Philippines đã chấp nhận dịu giọng với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp chủ quyền.
Thậm chí, ông Duterte từng bày tỏ ý định "gạt sang bên" phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế tại La Hay, Hà Lan để theo đuổi dự án hợp tác khai thác dầu khí với Trung Quốc ở Biển Đông
Thêm vào đó, chính quyền ông Marcos cũng bày tỏ quan ngại khi lãi suất cho các khoản đầu tư của Trung Quốc vào khoảng 3%, hơn nhiều lần so mức 0,01% của Nhật Bản đối với các dự án cơ sở hạ tầng dùng vốn ODA.
Vì vậy, Philippines đang hướng tới tìm những đối tác đầu tư khác ví dụ như Nhật Bản cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tham vọng trong thời gian tới, theo Asia Times.