"Hiện nay, Mỹ tiếp tục hành động mà không quan tâm đến an ninh và lợi ích của các quốc gia khác, điều này góp phần làm gia tăng nguy cơ hạt nhân", Đại sứ quán Nga tại Mỹ tuyên bố hôm nay 16/8.
Quân đội Nga duyệt binh ở Moscow vào tháng 5/2022 (Ảnh: Sputnik).
"Các bước tiếp theo của Mỹ nhằm tiếp tục tham gia vào một cuộc đối đầu với Nga trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine đang tiềm ẩn sự leo thang khó lường và nguy cơ đụng độ quân sự trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân", Đại sứ quán Nga cảnh báo.
Theo Đại sứ quán Nga, Washington gần đây đã rút khỏi hai thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng, gồm Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung năm 1987 cấm một số loại tên lửa đất đối không và Hiệp ước Bầu trời Mở năm 1992 cho phép các chuyến bay giám sát trên lãnh thổ của nhau.
Đại sứ quán Nga kêu gọi Mỹ "xem xét kỹ hơn chính sách hạt nhân của nước này thay vì đưa ra những cáo buộc vô căn cứ chống lại các quốc gia có quan điểm không đồng nhất với Mỹ".
"Đất nước chúng tôi thực hiện trung thực các nghĩa vụ của mình với tư cách là một quốc gia có vũ khí hạt nhân và nỗ lực hết sức để giảm thiểu rủi ro hạt nhân", Đại sứ quán Nga nhấn mạnh.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Mỹ cáo buộc Moscow sử dụng nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye ở miền nam Ukraine làm nơi ẩn náu cho các binh sĩ Nga.
Nhà máy Zaporozhye nằm ở thành phố Energodar, Ukraine và là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Quân đội Nga đã kiểm soát khu vực này từ giữa tháng 3. Hiện tại, nhà máy vẫn hoạt động khoảng 70% công suất để cung cấp điện cho các khu vực do Nga kiểm soát và dự kiến truyền tải điện cho bán đảo Crimea.
Kiev cáo buộc Moscow lấy nhà máy Zaporozhye làm căn cứ quân sự, che chắn cho binh sĩ và khí tài của họ bất chấp rủi ro. Ngược lại, Moscow cảnh báo Kiev đang đẩy châu Âu đến gần hơn một thảm họa hạt nhân khi tiếp tục pháo kích nhà máy.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tuần trước kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hoạt động quân sự xung quanh nhà máy hạt nhân Zaporozhye.
Nga nhất trí với kế hoạch của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thị sát nhà máy điện hạt nhân Ukraine Zaporozhye nhưng với điều kiện phái đoàn không đi qua Kiev, không đi qua chiến tuyến.
Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric hôm 15/8 cho biết, Liên Hợp Quốc đủ khả năng hỗ trợ cả về hậu cần và an ninh cho bất cứ chuyến thị sát nào của IAEA đến nhà máy Zaporozhye. Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi cũng tuyên bố, ông sẵn sàng dẫn đầu phái đoàn thị sát nhà máy, đồng thời kêu gọi Kiev, Moscow hợp tác.
Mỹ ủng hộ lập ra khu phi quân sự ở nhà máy điện hạt nhân mà Nga đang kiểm soát. Trong khi đó, Trung Quốc kêu gọi các bên có liên quan ngồi xuống bàn đàm phán để tìm giải pháp cho vấn đề.