Một tàu khảo sát của Trung Quốc tuần này đã cập cảng Hambantota ở miền nam Sri Lanka. Con tàu thuộc một tổ chức có liên quan tới quân đội Trung Quốc, có khả năng theo dõi và giám sát vệ tinh, tên lửa và tên lửa đạn đạo bằng các radar hiệu suất cao.
Công nhân vẫy cờ Trung Quốc và Sri Lanka khi tàu Yuan Wang 5 của Trung Quốc cập cảng Hambantota ở Sri Lanka vào ngày 16/8 (Ảnh: AFP).
Trung Quốc mô tả con tàu trên là một tàu nghiên cứu hàng hải và tuyên bố "không ảnh hưởng đến an ninh hoặc lợi ích kinh tế của bất kỳ quốc gia nào". Tuy nhiên, do tàu thuộc quân đội Trung Quốc, nên giới quan sát cho rằng việc tàu cập cảng ở Sri Lanka là một phần của hoạt động quân sự.
Cảng Hambantota chiến lược ở phía nam thủ đô Colombo là nơi phục vụ các tuyến vận tải chính giữa châu Âu và châu Á, đồng thời là một phần trong kế hoạch "chuỗi ngọc trai" của Bắc Kinh gồm một loạt cảng trải dài từ vùng biển của Trung Quốc tới vịnh Péch-xích.
Vị trí cảng Hambantota của Sri Lanka (Ảnh: Google Maps).
Với vị trí ở Ấn Độ Dương, kết nối châu Á với Trung Đông và châu Âu, Sri Lanka là trung tâm của các tuyến hàng hải vận chuyển dầu thô và các nguyên liệu khác. Đối với Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ, những nước ủng hộ một khu vực "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở", các động thái của Trung Quốc gây nhiều lo ngại vì nguy cơ làm suy yếu ổn định khu vực.
Cảng Hambantota được phát triển thông qua đầu tư của Trung Quốc theo Sáng kiến Vành đai và Con đường. Trong bối cảnh phải vật lộn để trả các khoản nợ khổng lồ, Sri Lanka đã chuyển giao quyền điều hành cảng cho một công ty Trung Quốc.
Cựu Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã đồng ý cho Công ty cổ phần cảng Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong thời hạn 99 năm để đổi lấy khoản tiền 1,1 tỷ USD. Ông Wickremesinghe cho biết khoản tiền này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng nợ nần cho Sri Lanka, sau khi nước này vay tiền của Trung Quốc để xây dựng cảng.
Việc Sri Lanka cho phép tàu Trung Quốc cập cảng, bất chấp sự phản đối của Ấn Độ, có thể do chịu sức ép từ Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đang có những động thái mở rộng lợi ích tại Sri Lanka.
Cuộc khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka vẫn chưa có hồi kết. Vào tháng 7, các cuộc biểu tình chống chính phủ lan rộng. Trong khoảng thời gian này, Trung Quốc được đề nghị xóa nợ hoặc cung cấp các khoản hỗ trợ khác cho Sri Lanka. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng, số tiền viện trợ và đầu tư khổng lồ của Trung Quốc chủ yếu được sử dụng để gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh, chứ không phải cho sự phát triển của nước sở tại.
Phương Tây cho rằng, không chỉ Sri Lanka rơi vào "bẫy nợ", trong đó các nước đang phát triển phải gánh các khoản nợ và Trung Quốc được quyền sử dụng cơ sở hạ tầng địa phương. Ở các nước láng giềng như Pakistan, Bangladesh và Myanmar, các cảng biển cũng đang được phát triển bằng nguồn vốn của Trung Quốc.
Ấn Độ, nước láng giềng của Sri Lanka, lo ngại về việc các hoạt động quân sự của họ bị Trung Quốc theo dõi. Các phương tiện truyền thông Ấn Độ gọi tàu Trung Quốc là "tàu do thám". Một chuyến thăm tới cảng Sri Lanka của tàu Trung Quốc có thể trở thành một điểm nóng mới trong cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ.