Trong nhiều tuần qua, Điện Kremlin đã "cố gắng thuyết phục Ukraine tham gia các cuộc đàm phán", Mykhaylo Podolyak, cố vấn Tổng thống Ukraine nói với AFP, hôm 22/8.
Binh sĩ Ukraine tại Donetsk (Ảnh: Reuters).
Theo ông Podolyak, trong các cuộc đàm phán như vậy, Nga muốn "đóng băng xung đột trong khi giữ nguyên hiện trạng các vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát tại Ukraine".
Cố vấn của Tổng thống Ukraine cho rằng Moscow không thực sự muốn có các cuộc đàm phán hòa bình nghiêm túc. Thay vào đó, Nga đang cố gắng để "hoãn chiến dịch" trước khi phát động một đợt tấn công mới.
"Tất cả kịch bản khác chỉ thể hiện đợt hoãn chiến dịch nguy hiểm trước đợt tiến công mới. Ukraine sẽ kháng cự tới chừng nào còn cần thiết", ông Podolyak tuyên bố.
Ông Podolyak nói rằng Nga đã "gửi các đề xuất của mình thông qua nhiều bên trung gian khác nhau", song không nêu tên cụ thể.
Cuộc đàm phán trực tiếp gần đây nhất giữa Nga và Ukraine diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3. Tại vòng đàm phán này, Kiev đã đề xuất một thỏa thuận về các cam kết an ninh dành cho Ukraine, đổi lại Ukraine sẽ chấp nhận trung lập. Tuy nhiên, giới chức Nga sau đó cáo buộc Ukraine rút lại các đề xuất ban đầu.
Nga tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Kiev đáp ứng các điều kiện mà Moscow đưa ra gồm cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng Donbass - nơi có hai vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Lugansk. Trong khi đó, giới chức Ukraine nhiều lần khẳng định không bao giờ nhượng bộ lãnh thổ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần tuyên bố ông sẵn sàng hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để chấm dứt xung đột, nhưng cuộc gặp này sẽ chỉ diễn ra sau khi toàn bộ quân đội Nga rút về các vị trí trước năm 2014.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, nhà lãnh đạo đã gặp Tổng thống Nga vào đầu tháng 8, nhiều lần cho biết ông sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Hãng truyền thông nhà nước Nga RIA Novosti dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang có kế hoạch hội đàm với người đồng cấp Nga trong tuần này để thảo luận về tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và cuộc chiến ở Ukraine.
Nga và Ukraine gần đây liên tục cáo buộc nhau pháo kích nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia - nơi có 6 lò phản ứng lớn ở Ukraine. Nga đã kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia từ hồi tháng 3, nhưng nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này hiện vẫn do các nhân viên kỹ thuật Ukraine vận hành.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky ngày 22/8 cho biết Moscow đã thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn chặn một thảm kịch tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
"Ngày càng nhiều quốc gia cung cấp vũ khí cho Kiev, thay vì quan tâm đến những lo ngại về tình hình xung quanh nhà máy điện hạt nhân, hay tình huống có thể tái diễn thảm họa Chernobyl trong trường hợp có bất kỳ hành động khủng bố nào. Do đó, phía Nga đã đưa ra tất cả các biện pháp để ngăn chặn những điều tương tự xảy ra", ông Slutskynói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo phương Tây đều đưa ra cảnh báo về nguy cơ thảm họa hạt nhân sau các vụ tấn công nhằm vào nhà máy ở Ukraine.