Trong cuộc phỏng vấn gần đây với hãng tin Nikkei (Nhật Bản), Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho biết Philippines có thể cho phép lực lượng Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự tại quốc gia Đông Nam Á trong trường hợp xảy ra xung đột tại Đài Loan, với điều kiện "nếu điều đó là quan trọng đối với chúng tôi, với an ninh của chúng tôi".
Tàu USS Wasp tham gia tập trận đổ bộ Mỹ - Philippines năm 2019 (Ảnh: Reuters).
Đại sứ Romualdez là người thân của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., đồng thời có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các chính sách an ninh và đối ngoại của chính quyền mới. Ông cũng bày tỏ lo ngại về căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Không ai muốn chiến tranh hay đối đầu theo bất kỳ hình thức nào. Chúng tôi muốn hai nước giảm bớt căng thẳng bằng cách đối thoại nhiều hơn và cố gắng giải quyết tất cả những vấn đề này, vì nó nằm trong khu vực của chúng tôi", ông Romualdez nói.
Philippines vẫn giữ lập trường trung lập về vấn đề Đài Loan, trong khi đây là vấn đề gây căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung. Trung Quốc coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời và sẵn sàng sáp nhập bằng mọi cách, bao gồm sử dụng vũ lực. Mặc dù công nhận nguyên tắc Một Trung Quốc, song Mỹ vẫn cung cấp vũ khí và duy trì các kênh hợp tác với hòn đảo.
Các nhà quan sát muốn biết liệu Tổng thống Marcos, người đã nhấn mạnh việc cải thiện quan hệ với Mỹ, có sẵn sàng hợp tác với Washington hay không nếu xảy ra khủng hoảng quân sự Đài Loan trong nhiệm kỳ 6 năm của ông.
Đại sứ Romualdez cho biết cựu Tổng thống Rodrigo Duterte đã bày tỏ sự cởi mở trong việc trong phép lực lượng Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự tại Philippines trong trường hợp xảy ra xung đột tại Đài Loan. Tuy nhiên, rất ít dấu hiệu cho thấy có bất kỳ cuộc thảo luận nào giữa Manila và Washington về khả năng này.
Kế nhiệm ông Duterte, Tổng thống Marcos đã báo hiệu sự thay đổi trong hướng đi của Philippines đối với Trung Quốc, so với các chính sách mềm mỏng hơn dưới thời Tổng thống Duterte.
Cuộc khủng hoảng tại Đài Loan sẽ làm gián đoạn dòng chảy tự do của hàng hóa bằng đường biển và đường hàng không xung quanh Philippines. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Mỹ, vào đầu tháng 8, khi Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật để đáp trả chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan, một trong những khu vực tập trận nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Trong bối cảnh quân đội Mỹ đang tìm cách phân bổ lực lượng dọc theo chuỗi đảo thứ nhất trải dài từ Nhật Bản đến Đông Nam Á, tầm quan trọng địa chính trị của Philippines ngày càng gia tăng.
Đại sứ Romualdez cho biết Manila đang đàm phán với Washington để tăng số lượng căn cứ quân sự của Philippines mà lực lượng Mỹ có thể sử dụng. Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường song phương được ký kết vào năm 2014 cho phép Mỹ duy trì hiện diện quân sự luân phiên tại 5 căn cứ của Philippines.
"Quân đội của chúng tôi và quân đội Mỹ đều đang xem xét những khu vực tiềm năng", ông Romualdez nói, đồng thời cho biết căn cứ bổ sung có thể bao gồm một căn cứ hải quân.