Trước căng thẳng bùng phát ở biên giới Armenia-Azerbaijan, tối 13/9 (theo giờ Moscow), Hội đồng An ninh Tập thể của Tổ chức hiệp ước về an ninh tập thể (CSTO) đã tổ chức cuộc họp bất thường và nhất trí cử một phái đoàn đến Armenia để đánh giá tình hình căng thẳng ở biên giới của nước này với Azerbaijan.
Theo Ban thư ký Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), tại phiên họp bất thường thông qua cầu truyền hình, Hội đồng của CSTO đã quyết định cử một phái đoàn do Tổng thư ký Stanislav Zas đứng đầu và đại diện của các quốc gia thành viên CSTO tới Armenia để đánh giá tình hình liên quan đến căng thẳng ở biên giới Armenia-Azerbaijan. Phái đoàn sẽ chuẩn bị một báo cáo chi tiết cho các nguyên thủ quốc gia tại phiên họp tiếp theo của Hội đồng An ninh Tập thể (dự kiến tổ chức tại Yerevan vào mùa thu) về tình hình trong khu vực và sự phát triển của các đề xuất nhằm giảm leo thang căng thẳng đã nảy sinh.
Ngoài ra, tại cuộc họp đã quyết định thành lập một nhóm làm việc "từ các nhân viên của ban thư ký và quân nhân của Trụ sở chung để giám sát liên tục tình hình trong khu vực phụ trách của CSTO".
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo cho những người tham dự cuộc họp về các bước thực tế bổ sung của phía Nga nhằm giảm leo thang căng thẳng đã phát sinh trên biên giới giữa Armenia và Azerbaijan. Các nỗ lực hòa giải của Nga nhằm ổn định tình hình trong khu vực đã được ủng hộ hoàn toàn.
Tất cả những người tham gia cuộc họp của CSTO bày tỏ lo ngại về tình hình trầm trọng của khu vực và ủng hộ việc giải quyết bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao dựa trên các nguyên tắc được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và các thỏa thuận được ghi trong tuyên bố ba bên của các nhà lãnh đạo Azerbaijan, Armenia và Nga ngày 9/11/2020.
Trước đó, vào đêm thứ Ba, các hành động thù địch đã nổ ra ở biên giới giữa Armenia và Azerbaijan, các bên cáo buộc nhau về các hành động khiêu khích. Theo Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, 49 người đã thiệt mạng, đồng thời, đây chưa phải là con số cuối cùng. Azerbaijan cũng thông báo về tổn thất trong quân đội của mình, nhưng không nêu số lượng của họ. Yerevan đã đề nghị Nga, Tổ chức Hiệp ước về An ninh Tập thể và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trợ giúp giải quyết tình hình. Đến sáng, các bên, thông qua trung gian của Moscow, đã đồng ý về một lệnh ngừng bắn. Nga kêu gọi Armenia và Azerbaijan giải quyết tất cả các vấn đề gây tranh cãi thông qua ngoại giao.