"Mối quan hệ của chúng tôi với các nước này sẽ chuyển sang một vị thế rất khác với bước đi sắp tới", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói với các phóng viên hôm 17/9 sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tham dự cuộc họp với các lãnh đạo của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan ngày 16/9 (Ảnh: Reuters).
Khi được hỏi liệu Thổ Nhĩ Kỳ có muốn trở thành thành viên của SCO hay không, ông Erdogan nói: "Tất nhiên, đó là mục tiêu của chúng tôi".
Thổ Nhĩ Kỳ hiện là đối tác đối thoại của SCO, tổ chức gồm các thành viên Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan, Iran, Kyrgyzstan, Tajikistan, Kazakhstan và Uzbekistan.
Theo Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ về "lịch sử và văn hóa" với châu Á và muốn đóng một vai trò trong SCO, tổ chức đại diện cho "30% GDP toàn cầu".
Tại các cuộc thảo luận song phương trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh của SCO, ông Erdogan đã hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã đạt được thỏa thuận giải quyết bất đồng về một nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng tại Akkuyu, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ duy trì mối liên kết với SCO từ năm 2013, khi hai bên ký một thỏa thuận đối tác. Tư cách thành viên đầy đủ của SCO sẽ mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ đòn bẩy mới để đối phó với phương Tây, cùng với đó là triển vọng về mối quan hệ kinh tế bền chặt hơn khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực ổn định nền kinh tế đang gặp khó khăn trước cuộc bầu cử vào năm sau.
Mặc dù là thành viên của NATO, nhưng mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh phương Tây ngày càng xấu đi trong suốt gần hai thập niên cầm quyền của Tổng thống Erdogan. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ than phiền về sự thiếu đoàn kết trong nội bộ NATO và EU về các vấn đề an ninh.