Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc, một thiết bị nghe đã thu tín hiệu âm thanh từ cách xa 105 km ở độ sâu 200 mét trong thử nghiệm thực địa được thực hiện trên một tuyến đường quan trọng dành cho các tàu ngầm, South China Morning Post đưa tin ngày 17.9.
Trung Quốc phát triển công nghệ giúp tàu ngầm và thiết bị không người lái dưới nước duy trì liên lạc dường dài.
Tốc độ truyền dữ liệu đạt gần 200 bit/giây (bps), ngang với băng thông của sóng vô tuyến tần số rất thấp mà một trung tâm chỉ huy hải quân gửi tới các tàu ngầm hạt nhân nhờ các ăng-ten mặt đất lớn nhất thế giới. Các nhà nghiên cứu cho biết mặc dù âm thanh thu được có nhiều tiếng ồn, các tin nhắn được mã hóa không có sai sót.
Sử dụng công nghệ có sẵn trên thị trường, liên lạc âm thanh với tốc độ và chất lượng như trên thường bị hạn chế trong khoảng cách dưới 10km.
Kết quả của cuộc thử nghiệm ở Biển Đông đã chứng minh "tính hiệu quả và hiệu suất tốt" của công nghệ mới trong việc gia tăng phạm vi và mức độ hiệu quả của liên lạc dưới nước, theo nhà khoa học đứng đầu dự án Liu Songzuo, thuộc Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân. Nghiên cứu của nhóm ông được đăng tải trên chuyên san Acta Acustica vào ngày 6.9.
Giáo sư Liu và các đồng nghiệp của ông đã tiến hành thử nghiệm ở khu vực đáy biển sâu 3.800 mét nằm giữa quần đảo Đông Sa (Pratas) hiện do Đài Loan kiểm soát và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Một số chuyên gia quân sự cho biết khu vực này là lối đi quan trọng cho các tàu ngầm ra vào vùng biển gần Trung Quốc.
Trung Quốc đã triển khai các tàu nổi và tàu ngầm không người lái trong khu vực để tuần tra và thu thập thông tin, theo thông tin công khai. Theo kế hoạch của chính phủ Trung Quốc, một căn cứ biển sâu để các thiết bị không người lái cập bến và sạc pin sẽ được xây dựng và hoạt động tại Biển Đông trong vài năm tới.
Nhóm của ông Liu cho biết họ cũng đang phát triển một công nghệ mới để chuyển đổi tín hiệu âm thanh thành tiếng cá voi để ngụy trang và đánh lừa các kênh quân sự.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng đang phát triển vũ khí thông minh có thể cấy dưới đáy biển và kích hoạt trong chiến tranh, cũng như thiết bị không người lái chạy bằng lò phản ứng hạt nhân loại dùng một lần có thể di chuyển quãng đường dài theo đội hình bầy đàn.