"Nếu mọi thứ trở nên tồi tệ, chúng có thể trở nên nghiêm trọng khủng khiếp", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trong bài phát biểu với đài truyền hình NRK của Na Uy.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: AP).
"Đó là một cuộc chiến khủng khiếp ở Ukraine. Cuộc chiến này cũng có thể trở thành một cuộc chiến toàn diện, lan rộng thành cuộc chiến lớn giữa NATO và Nga. Chúng tôi đang làm việc mỗi ngày để tránh điều đó", ông Stoltenberg cảnh báo.
Ông Stoltenberg, cựu thủ tướng Na Uy, nhận định "một cuộc chiến tranh toàn diện hoàn toàn có khả năng xảy ra", đồng thời cho rằng điều quan trọng là phải tránh một cuộc xung đột "liên quan đến nhiều quốc gia hơn ở châu Âu và trở thành một cuộc xung đột toàn diện ở châu Âu".
Điện Kremlin nhiều lần cáo buộc NATO thực sự trở thành một bên trong cuộc xung đột tại Ukraine khi cung cấp vũ khí, huấn luyện quân sự và thông tin tình báo quân sự cho Kiev để tấn công lực lượng Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov hôm 8/12 cảnh báo NATO "đùa với lửa" khi "can dự ngày càng nhiều và ngày càng trực tiếp vào cuộc xung đột tại Ukraine".
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2 đến nay, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã viện trợ an ninh hàng tỷ USD cho Kiev. Theo New York Times, ước tính các nước NATO đã chuyển giao vũ khí trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine, tương đương với ngân sách quân sự hàng năm của Pháp.
Trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal hôm 9/12, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho biết Mỹ không cấm Ukraine sử dụng vũ khí do Washington sản xuất để tiến hành các cuộc tấn công trên bán đảo Crimea - khu vực sáp nhập vào Nga năm 2014.
Ngoại trưởng Kuleba tuyên bố bán đảo Crimea là một phần lãnh thổ Ukraine được quốc tế công nhận. Theo nhà ngoại giao Ukraine, mặc dù Kiev đã cam kết với Washington rằng họ sẽ kiềm chế không tấn công các vùng lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp, nhưng thỏa thuận này không áp dụng cho Crimea.
"Crimea không khác gì phần còn lại của Ukraine", ông Kuleba nói, đồng thời cho biết Kiev sẽ "giành lại tất cả các vùng lãnh thổ", bao gồm bán đảo Crimea, bằng các biện pháp quân sự hoặc ngoại giao.
Ngoại trưởng Ukraine cũng cáo buộc Nga không quan tâm đến các cuộc đàm phán hòa bình, thay vào đó Moscow đang "chuẩn bị cho những trận chiến mới". Các quan chức Nga nhiều lần tuyên bố Moscow sẵn sàng tham gia đàm phán ngoại giao với Ukraine mà "không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào" ngoại trừ việc Kiev thể hiện thiện chí.
Tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov bác bỏ cáo buộc rằng Moscow đang tìm kiếm các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine như một cách để câu giờ nhằm tăng cường sức mạnh quân sự.
Vào giữa tháng 9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo nếu Mỹ cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine, điều này sẽ vượt qua "lằn ranh đỏ" và khiến Mỹ trở thành "bên trực tiếp tham gia cuộc xung đột".