Trả lời câu hỏi của hãng tin ABC News liệu ông có cho rằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine có nên tấn công "các sân bay nằm sâu trong lãnh thổ Nga hay không", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ ngày 11/12 một lần nữa khẳng định Washington không khuyến khích điều này.
Một binh sĩ Ukraine khai hỏa ở miền Đông nước này (Ảnh: AP).
"Chúng tôi chắc chắn không khuyến khích cũng như không giúp Ukraine thực hiện các cuộc tập kích vào sâu lãnh thổ Nga. Chúng tôi đang cố gắng đảm bảo rằng họ có thể bảo vệ lãnh thổ của mình, giành lại các vùng đất đã mất", ông Kirby nói.
Ông nhấn mạnh thêm: "Ngay từ đầu, chúng tôi đã đề cập đến việc giám sát và lưu ý đến những nguy cơ leo thang của cuộc xung đột này bởi vì nó không có ích cho người dân Ukraine, người dân Nga và cũng không tốt cho những lợi ích của chúng tôi".
Ông cho biết, gói viện trợ quân sự mới nhất của Mỹ dành cho Ukraine không có nghĩa Washington ủng hộ Kiev tập kích vào sâu lãnh thổ Nga. Gói viện trợ mà ông Kirby đề cập đến là gói hỗ trợ trang thiết bị quân sự trị giá 275 triệu USD bao gồm hỏa tiễn cho hệ thống pháo phản lực HIMARS, đạn pháo và một số khí tài khác.
Gói này nâng tổng giá trị viện trợ quân sự của chính quyền Tổng thống Joe Biden cho Ukraine lên gần 20 tỷ USD, trong đó 19,3 tỷ USD được công bố kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Những bình luận trên được đưa ra vài ngày sau khi Nga cáo buộc Moscow dùng UAV tập kích căn cứ không quân Dyagilevo ở vùng Ryazan và Engels ở vùng Saratov của Nga hôm 5/12. Hai căn cứ này cách biên giới Nga - Ukraine khoảng 500-700km. Vụ tập kích khiến ít nhất 3 người thiệt mạng, 4 người bị thương và 2 máy bay ném bom chiến lược của Nga nghi bị phá hủy.
Dựa vào các mảnh vỡ thu thập được sau đó, Moscow xác định, một trong các vũ khí được sử dụng để tấn công vào các căn cứ của họ là Tu-141, một loại UAV được chế tạo từ thời Liên Xô. Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya hôm 9/12 cáo buộc, các UAV này "được dẫn đường bởi hệ thống vệ tinh toàn cầu GPS của Mỹ".
Đến nay, Kiev không công khai xác nhận hay phủ nhận trách nhiệm trong vụ tấn công nói trên. Tuy nhiên, nếu cáo buộc đưa ra là đúng, đây sẽ là vụ tập kích sâu nhất của Ukraine vào mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Moscow nhiều lần cảnh báo Washington, cung cấp vũ khí tầm xa cho Kiev tấn công Nga sẽ bị coi là "vượt lằn ranh đỏ" và khiến Mỹ trở thành "một bên trực tiếp tham gia xung đột".
Phương Tây khẳng định, họ chỉ chuyển cho Ukraine vũ khí phòng vệ, hạn chế về tầm bắn. Trong khi đó, vào tháng 10/2022, công ty xuất nhập khẩu vũ khí Ukroboronprom của Ukraine thông báo, họ đang phát triển một loại vũ khí bí mật có thể trở thành "cánh tay" dài nhất trong việc tung đòn tấn công tầm xa của quân đội Ukraine. Theo Ukroboronprom, vũ khí này có tầm hoạt động 1.000km, trọng lượng đầu đạn 75kg. "Chúng tôi đang hoàn thiện quá trình phát triển", thông cáo cho biết kèm ảnh chụp một phần vũ khí được cho là phần thân của một UAV cảm tử.