Trong một sự kiện được tổ chức ở Berlin ngày 12/12, Thủ tướng Đức Scholz cho rằng, Đức nên làm ăn trở lại với Nga sau khi chiến dịch quân sự của Moscow ở nước láng giềng Ukraine khép lại. Ông tin rằng Nga sẽ không chiến thắng trong cuộc chiến này.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh: Reuters).
Theo nhà lãnh đạo Đức, một chính phủ Nga chấm dứt chiến sự "cần có cơ hội để khởi động lại hợp tác kinh tế (với Berlin) vào một thời điểm khả thi", nhưng nhấn mạnh "giờ chưa phải là lúc thực hiện điều này".
"Hiện thời, các mối quan hệ chúng ta có với Nga đang bị thu hẹp lại. EU đang siết chặt các lệnh trừng phạt Moscow vào lúc này nhưng Nga sẽ vẫn là quốc gia lớn nhất trong lục địa châu Âu khi chiến sự khép lại. Vì vậy, việc chúng ta chuẩn bị (cho kịch bản hợp tác lại với Nga) là rất quan trọng", ông nhấn mạnh.
Trong thời gian qua, Đức đã kích hoạt hàng loạt biện pháp nhằm chống đỡ trước cuộc khủng hoảng năng lượng sau nhiều năm phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt giá rẻ từ Nga.
Hồi tháng 8, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thừa nhận, mô hình kinh tế của nước này trong nhiều năm qua đã phụ thuộc vào nguồn năng lượng giá rẻ nhập từ Nga. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng, mô hình này sẽ không bao giờ thực hiện được nữa sau khi căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang vì Moscow mở chiến dịch quân sự ở nước láng giềng Ukraine từ ngày 24/2.
Nga đã bác bỏ cáo buộc từ EU rằng họ đang "vũ khí hóa" năng lượng để trả đũa lệnh trừng phạt của phương Tây. Nga nhiều lần viện dẫn các lý do về mặt kỹ thuật xảy ra vì lệnh cấm vận khiến họ không thể cấp khí đốt với công suất lớn cho châu Âu.
Phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 11/12 cho biết, việc EU quyết thoát phụ thuộc vào năng lượng Nga đang khiến châu lục này ngày càng phụ thuộc vào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mua từ Mỹ.
Tuy nhiên, giá nhập LNG rất đắt đỏ so với khí đốt mua từ đường ống của Nga. Pháp, Đức - các nền kinh tế hàng đầu châu Âu - thời gian qua đã chỉ trích một số nhà cung cấp LNG, trong đó có Mỹ, vì bán cho họ mặt hàng này với giá quá cao.