Trong bài trả lời phỏng vấn The Economist đăng tải hôm 15/12, Tổng thống Zelensky nhận định, Ukraine không còn lựa chọn nào khác là phải chiến đấu để khôi phục lại đường biên giới nước này như năm 1991, vì thế giới đã thất bại trong việc đảm bảo an ninh cho Kiev.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).
Ông cũng cho rằng, Ukraine đang phải một mình trả giá đắt vì cuộc xung đột với Nga.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định, một lệnh ngừng bắn dựa trên tình hình chiến trường hiện tại sẽ tạo ra "hòa bình giả tạo" và Washington sẽ ủng hộ Kiev với bất kỳ quyết định nào mà nước này đưa ra.
Khi được hỏi về nhận định từ nhà ngoại giao Mỹ về việc "lấy lại lãnh thổ bị Nga giành quyền kiểm soát từ 24/2", ông Zelensky nhấn mạnh, ông muốn khôi phục biên giới như năm 1991, bao gồm cả Crimea và toàn bộ Donbass.
"Đó là cách cuộc xung đột nên khép lại vì nếu không như vậy thì nghĩa là nó chưa chấm dứt, nó chỉ đóng băng. Nếu đơn giản để lại mọi thứ như hiện nay và nói, được rồi hãy dừng lại và họ sẽ lấy Donbass, phía nam Ukraine hoặc một phần phía nam và họ vẫn kiểm soát Crimea. Tại sao chứ? Chúng tôi sẽ không thể làm điều đó, không ai sẽ tha thứ cho việc đó", ông nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng, việc đóng băng cuộc chiến nghĩa là Nga sẽ có thêm thời gian để "trở nên mạnh hơn, sẵn sàng giành nhiều lãnh thổ hơn".
Ông Zelensky thừa nhận, việc khôi phục lại tình trạng như ngày 23/2 là bất khả thi, vì "không ai hiểu bảo đảm an ninh có nghĩa là gì". Theo ông, Bản ghi nhớ Budapest (ký năm 1994) có nghĩa là toàn bộ thế giới nên đến để giải cứu Ukraine.
"Nhưng cả thế giới đã không tới như chúng ta đã thấy. Chúng tôi đã từ bỏ vũ khí hạt nhân, đánh đổi chúng cho những đảm bảo về an ninh. Những điều kiện đảm bảo ấy có hoạt động không? Không", ông nói.
"Vì sao Ukraine lại phải một mình trả giá đắt như vậy? Chúng tôi rất biết ơn những người ủng hộ chúng tôi, nhưng chính chúng tôi mới là những người đang trả giá (vì cuộc chiến)", Tổng thống Ukraine nói.
Theo ông Zelensky, giao tranh sẽ chỉ dừng lại khi toàn bộ thế giới đứng về phía Ukraine và buộc Nga phải rút quân về khu vực biên giới như năm 1991 và trả tiền bồi thường cho "nhiều thế hệ".
Hồi đầu tháng, Nghị sĩ cấp cao, lãnh đạo phái đoàn đàm phán của Ukraine David Arakhamia nêu ra 4 điều kiện để Kiev thương lượng về an ninh với Nga bao gồm: Rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine; trả tiền bồi thường chiến sự; trừng phạt tất cả tội phạm chiến tranh; tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Cuộc chiến Nga - Ukraine đã kéo dài tới tháng thứ 10 nhưng giao tranh vẫn diễn ra quyết liệt và chưa có dấu hiệu 2 bên sẽ nối lại đàm phán sau nhiều tháng đình trệ.
Cuối tháng trước, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố các cuộc thương lượng giữa Nga và Ukraine chỉ có thể bắt đầu nếu Kiev thể hiện thiện chí chính trị để thảo luận về các yêu cầu của Moscow. Điện Kremlin nói rằng, việc Ukraine từ chối đàm phán buộc Nga phải thực hiện các cuộc tập kích diện rộng nhằm vào hạ tầng quan trọng của nước này gần đây.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba trước đó nói, nước này không phản đối các cuộc đàm phán. Theo nhà ngoại giao Ukraine, để các cuộc đàm phán diễn ra, Nga phải ngừng "nhầm lẫn giữa đàm phán với tối hậu thư". Ông cũng khẳng định "một nền hòa bình công bằng bắt đầu bằng việc khôi phục hoàn toàn toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".