Dựa trên dữ liệu thị trường, Bloomberg cho biết, doanh nghiệp và người tiêu dùng châu Âu đã phải trả thêm khoảng 1.000 tỷ USD do giá năng lượng tăng vọt kể từ đầu năm nay. Tất nhiên, chỉ một phần trong số đó được bù đắp bằng các gói viện trợ của chính phủ.
Xung đột Nga - Ukraine khiến nguồn cung năng lượng từ Nga bị gián đoạn cùng với các biện pháp trừng phạt của EU (Ảnh: Bloomberg).
Giá năng lượng tăng vọt kể từ đầu năm nay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và phương Tây đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt của Moscow. Nguồn cung hạn hẹp, nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại cùng với đà mở cửa kinh tế sau đại dịch khiến giá hàng hóa, năng lượng tăng.
Giới quan sát cảnh báo, đây có thể là khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất ở khu vực này trong hàng chục năm qua. Sau mùa đông này, châu Âu sẽ phải làm đầy trở lại kho dự trữ năng lượng trong tình thế không có nguồn cung từ Nga. Thị trường năng lượng được dự báo tiếp tục căng thẳng đến năm 2026 khi nguồn cung từ các nước như Mỹ, Qatar trở nên dồi dào hơn.
Bloomberg dẫn đánh giá của Bruegel, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Bỉ, cho rằng mặc dù chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng trang trải phần lớn thiệt hại thông qua các khoản hỗ trợ trị giá 700 tỷ USD, song tình trạng căng thẳng nguồn cung vẫn sẽ kéo dài vài năm tới.
"Càng đổ nhiều tiền cho các khoản cứu trợ, các chính phủ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc quản lý cuộc khủng hoảng này vào năm tới", Martin Devenish, giám đốc công ty tư vấn S-RM, cảnh báo.
Khả năng tài chính của các chính phủ châu Âu đang trong tình trạng căng thẳng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine. Khoảng một nửa thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đang phải gánh nợ vượt giới hạn 60% GDP.