"Chúng tôi không thể khẳng định cuộc chiến này sẽ đi đến đâu. Điều chúng tôi có thể chắc chắn là nhiệm vụ của chúng tôi là tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine để họ có được vị thế tốt nhất trên chiến trường, và khi điều kiện ngoại giao chín muồi, họ sẽ có vị thế tốt nhất trên bàn đàm phán. Tất nhiên, không phải lúc này", Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 16/12.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan (Ảnh: Reuters).
Theo ông Sullivan, Ukraine đã giành nhiều thắng lợi trên chiến trường, đẩy lùi lực lượng Nga và giành lại một phần lãnh thổ. Ông nhấn mạnh, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đề nghị quốc hội phê chuẩn viện trợ nhiều hơn nữa cho Ukraine để đảm bảo Kiev có đủ nguồn lực chiến đấu.
Bình luận của ông Sullivan đưa ra không lâu sau khi cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger kêu gọi các bên đối thoại để nhanh chóng chấm dứt xung đột ở Ukraine. Trong một bài bình luận đăng trên trang The Spectator, ông Kissinger cho rằng xung đột hiện nay ở Ukraine là cuộc chiến ủy quyền giữa hai cường quốc hạt nhân là Mỹ và Nga.
"Tiến trình hòa bình" mà ông Kissinger đề xuất sẽ "liên kết Ukraine với NATO, dù được thể hiện như thế nào", vì ông tin rằng sự trung lập đối với Kiev không còn là một lựa chọn. Ông cũng muốn Nga rút quân về giới tuyến trước ngày 24/2, trong khi các vùng lãnh thổ khác mà Ukraine tuyên bố chủ quyền, gồm Donetsk, Lugansk và Crimea, "có thể là chủ đề của một cuộc đàm phán sau khi ngừng bắn".
Ông Kissinger từng đưa ra đề xuất tương tự hồi tháng 5 và vấp phải sự chỉ trích của giới chức Ukraine. Đầu tháng này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ bất cứ thỏa thuận ngừng bắn nào không kèm theo việc Ukraine lấy lại biên giới tuyên bố năm 1991.
Về phía Nga, khi bình luận về đề xuất của ông Kissinger, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói, Tổng thống Vladimir Putin "muốn đọc toàn bộ bài viết, nhưng tiếc là ông chưa có cơ hội làm điều đó".
Trong tuần này, Điện Kremlin cũng cho biết Nga không xem xét kế hoạch ngừng bắn với Ukraine trong dịp Giáng sinh và Năm mới, cũng như chưa nhận được bất kỳ đề xuất nào như vậy từ phía Kiev.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng, "Nga nên rút quân trước Giáng sinh" để chấm dứt xung đột lớn nhất tại châu Âu sau Thế chiến II. Tuy nhiên, Nga nhiều lần cho rằng Ukraine phải chấp nhận từ bỏ các vùng lãnh thổ mà họ đã sáp nhập trước khi đàm phán.
Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine hôm 24/2. Xung đột đã bước sang tháng thứ 10 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Từ đầu tháng 10, Moscow bắt đầu tiến hành các cuộc tập kích tên lửa và máy bay không người lái quy mô lớn nhằm vào hạ tầng năng lượng của Ukraine. Gần đây nhất, theo giới chức Ukraine, hôm 16/12, Nga đã khai hỏa khoảng 76 tên lửa vào các mục tiêu hạ tầng trên khắp Ukraine, khiến cuộc khủng hoảng năng lượng ở nước này ngày càng nghiêm trọng.