Trong một cuộc họp với các lãnh đạo quốc phòng hôm 22/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, Nga muốn chấm dứt xung đột ở Ukraine "càng sớm càng tốt".
Xe quân sự Nga tuần tra ở Volnovakha ở vùng Donetsk, miền Đông Ukraine (Ảnh: AFP).
"Mục tiêu của Nga không phải là quay tiếp bánh xe xung đột quân sự, mà ngược lại, là chấm dứt cuộc chiến này. Chúng tôi sẽ cố gắng chấm dứt chuyện này, và tất nhiên là càng sớm càng tốt", ông Putin nói.
Phản ứng về bình luận này của chủ nhân Điện Kremlin, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 23/12 nói rằng: "Bước tiếp theo là thừa nhận thực tế, chúng tôi hối thúc Nga chấm dứt cuộc xung đột này bằng việc rút quân khỏi Ukraine".
Cùng ngày, phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẵn sàng đàm phán với người đồng cấp Putin về vấn đề Ukraine, nhưng chỉ sau khi Moscow nghiêm túc về đàm phán cũng như sau khi Washington tham vấn Ukraine và các đồng minh.
Về phía Điện Kremlin, người phát ngôn Dmitry Peskov hôm qua giải thích thêm, tuyên bố của Tổng thống Putin muốn nhanh chóng chấm dứt chiến sự ở Ukraine không có nghĩa là triển vọng đàm phán, mà là triển vọng đạt được các mục tiêu đề ra trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.
"Không có bất cứ liên hệ nào liên quan đến việc đàm phán. Tất nhiên, mọi xung đột đều chấm dứt trên bàn đàm phán. Nhưng hiện tại triển vọng chấm dứt xung đột ở Ukraine càng sớm, càng tốt chủ yếu thông qua việc Nga đạt các mục tiêu đề ra", hãng tin Ukrainsk Pravda dẫn lời ông Peskov.
Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 11 nhưng các cuộc hòa đàm vẫn bế tắc kể từ cuối tháng 3 ngay cả khi hai bên khẳng định vẫn để ngỏ đàm phán chấm dứt chiến sự.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm qua đã nêu các ưu tiên ngoại giao trong năm 2023. Các ưu tiên này gồm khởi động đàm phán để Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU), chuẩn bị cho hội nghị NATO, thúc đẩy các thỏa thuận khôi phục hệ thống năng lượng. Tuy nhiên, ông Zelensky không đưa việc đàm phán với Nga vào mục tiêu ngoại giao, thay vào đó, hối thúc các đại sứ tăng cường nỗ lực áp biện pháp trừng phạt Moscow.
Trong bài phát biểu trước quốc hội Mỹ nhân chuyến thăm bất ngờ tới Washington hôm 21/12, ông cũng kêu gọi Mỹ tiếp tục viện trợ khí tài cho Ukraine và siết biện pháp trừng phạt Nga.
Nga đưa "Rồng lửa" S-400 đến Belarus
Sputnik dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin hôm nay cho hay, Nga đã chuyển hệ thống phòng không S-400 và các tên lửa Iskander cho Belarus để tăng cường phòng thủ chung.
Các tổ hợp S-400 của Nga (Ảnh: RT).
"Quân đội Belarus đã nhận bàn giao các vũ khí hiện đại của Nga gồm hệ thống S-400 và tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander. Những khí tài này sẽ giúp nâng cao năng lực tác chiến của quân đội Belarus cũng như hiệu quả của hệ thống phòng không chung Nga - Belarus", ông Galizin nhấn mạnh.
Ông cũng khẳng định, việc Nga huấn luyện cho phi công máy bay chiến đấu của Belarus là phản ứng tương xứng với các hoạt động của NATO.
Mặt khác, ông Galuzin nói, cáo buộc Nga và Belarus có thể triển khai lực lượng hiệp đồng tham gia chiến dịch quân sự ở Ukraine là không đúng. "Nhiệm vụ của lực lượng hiệp đồng quân sự Nga - Belarus, nếu có, là đẩy lùi kẻ thù tiềm tàng trong trường hợp lãnh thổ Belarus bị xâm chiếm", nhà ngoại giao Nga giải thích.
Belarus là một đồng minh thân cận của Nga, song giới chức nước này nhiều lần khẳng định sẽ không tham gia vào xung đột ở Ukraine.
Nhiều tuần trở lại đây, Nga ra sức tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới giữa Belarus và Ukraine, làm dấy lên đồn đoán Moscow có thể sẽ mở một đợt tiến công mới vào Ukraine theo ngả Belarus.
Tuy vậy, Giám đốc tình báo quân đội Ukraine Kyrylo Budanov nhận định, đây có thể là kế nghi binh của Nga nhằm dụ Ukraine chuyển bớt nguồn lực từ mặt trận miền Đông sang phía bắc để Moscow thuận lợi hơn trong kế hoạch kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass. Ông Budanov nói, nguy cơ Nga tiến công từ Belarus rất thấp, song cũng không loại trừ hoàn toàn.