"Không thể có một kế hoạch hòa bình nào cho Ukraine mà không tính đến thực trạng hiện nay liên quan đến lãnh thổ Nga, với việc 4 khu vực sáp nhập vào Nga. Những kế hoạch không tính đến những thực tế này thì không thể gọi là kế hoạch hòa bình", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố hôm nay 28/12.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: Tass).
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật sáp nhập 4 khu vực ở Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhia và Kherson sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Ukraine và các nước phương Tây đã phản đối các cuộc trưng cầu dân ý này. Cho đến nay, Nga vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn cả 4 khu vực tuyên bố sáp nhập.
Trước đó, năm 2014, Nga cũng sáp nhập bán đảo Crimea ở miền Nam Ukraine sau một cuộc trưng cầu dân ý.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 11 đã công bố công thức hòa bình gồm 10 điểm tại hội nghị thượng đỉnh G20.
Chi tiết công thức hòa bình 10 điểm của Ukraine gồm: an toàn bức xạ và hạt nhân, tập trung vào việc khôi phục an toàn xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia ở miền Nam Ukraine, hiện do Nga kiểm soát; an ninh lương thực, bao gồm bảo vệ và đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sang các quốc gia nghèo nhất thế giới; an ninh năng lượng, tập trung vào kiểm soát giá đối với các nguồn năng lượng từ Nga, cũng như hỗ trợ Ukraine khôi phục cơ sở hạ tầng điện, một nửa trong số đó đã bị hư hại do các cuộc tập kích của Nga.
Công thức hòa bình còn bao gồm trả tự do cho tất cả tù nhân và người bị trục xuất, kể cả tù nhân chiến tranh và trẻ em bị trục xuất sang Nga; khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và Nga phải tái khẳng định điều đó theo Hiến chương Liên hợp quốc; Nga rút quân, chấm dứt chiến sự và khôi phục biên giới của Ukraine với Nga; công lý, bao gồm cả việc lập một tòa án đặc biệt để xét xử các tội ác chiến tranh; bảo vệ môi trường, tập trung vào rà phá bom mìn và khôi phục các cơ sở xử lý nước; ngăn chặn leo thang xung đột và xây dựng cấu trúc an ninh trong không gian châu Âu - Đại Tây Dương, bao gồm cả những đảm bảo cho Ukraine; xác nhận chiến sự kết thúc, gồm văn bản có chữ ký của các bên tham gia.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 15/12 nói rằng, Moscow sẵn sàng thảo luận về một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng chỉ khi nhận được "những đề xuất thực tế và không quá xa vời, có tính đến thực tế hiện nay cũng như lợi ích hợp pháp của Nga". Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, các đề xuất hòa đàm mà Ukraine đưa ra là "phi thực tế và không đầy đủ".
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 22/12 khẳng định mục tiêu của Moscow không phải duy trì xung đột quân sự, mà nhằm chấm dứt cuộc chiến này. Nhà lãnh đạo Nga nói rằng, gia tăng chiến sự sẽ dẫn đến những tổn thất không cần thiết và Moscow sẽ cố gắng đảm bảo rằng cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc càng sớm càng tốt.