Trả lời phỏng vấn báo DPA của Đức ngày 30/12, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: "Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng hỗ trợ quân sự cho Ukraine là con đường nhanh nhất dẫn đến hòa bình".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: Reuters).
Người đứng đầu liên minh quân sự NATO cho biết, Moscow chỉ sẵn sàng đàm phán khi xác định không thể đạt các mục tiêu ở Ukraine.
Các nước thành viên NATO, đặc biệt là Mỹ, liên tục cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2. Những nước này tuyên bố sẽ hỗ trợ đến chừng nào cần thiết để giúp Kiev khôi phục lãnh thổ.
Lãnh đạo phương Tây, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, khẳng định không thúc ép Kiev đàm phán, song sẽ giúp nước này có giành những thắng lợi trên chiến trường để có vị thế tốt nhất trên bàn đàm phán.
Về phía Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã bác bỏ "công thức hòa bình" 10 điểm do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra. Công thức này bao gồm yêu cầu Nga phải rút quân khỏi Crimea, Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia - các vùng đã sáp nhập vào Nga sau những cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.
Ông Lavrov nhấn mạnh, Moscow sẽ "không đối thoại với bất cứ ai" theo những điều kiện do Kiev đưa ra. Mặt khác, ông nhắc lại, Nga vẫn để ngỏ đàm phán với Ukraine trên cơ sở Ukraine phải công nhận "thực tế mới về lãnh thổ".
Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 11, nhưng tiếp tục chiều hướng căng thẳng ở cả mặt trận phía Nam và phía Đông. Tại miền Nam, giới chức Ukraine cho biết, trong vòng 24h qua, lực lượng Nga đã pháo kích 81 lần vào thành phố Kherson. Những ngày gần đây, Moscow tăng cường tấn công trở lại Kherson sau khi rút quân khỏi thành phố này đầu tháng 11.
Ở mặt trận miền Đông, Nga pháo kích toàn tuyến Donetsk đêm 29/12. Thành phố Bakhmut của Donetsk hiện là chiến tuyến ác liệt nhất. Nga được cho là đang tìm cách kiểm soát hoàn toàn miền Đông Ukraine. Cùng lúc đó, Nga tiếp tục thực hiện các cuộc tập kích tên lửa diện rộng vào hạ tầng điện trên khắp Ukraine.
Ukraine kêu gọi phương Tây viện trợ hệ thống phòng không tầm xa hiện đại để giúp nước này bảo vệ hạ tầng trọng yếu. Dù không phủ nhận hay xác nhận, nhưng Ukraine gần đây được cho là đã tập kích bằng máy bay không người lái vào các căn cứ không quân nằm sâu trong lãnh thổ Nga trong nỗ lực phá hủy phi đội máy bay ném bom của Nga.
Trả lời câu hỏi liệu phương Tây có cấp cho Ukraine các tên lửa đạn đạo tầm trung hay không, ông Stoltenberg tiết lộ, các thành viên NATO và Ukraine đang thảo luận những hệ thống phòng không cụ thể. Một số thành viên đã cấp cho Kiev hệ thống vũ khí tầm xa hơn như pháo phản lực M142 HIMARS do Mỹ sản xuất.