"Chúng tôi đang tìm cách ngăn chặn việc Iran chế tạo UAV thông qua các biện pháp trừng phạt, kiểm soát xuất khẩu và đàm phán với các công ty tư nhân có những bộ phận mà nước này sử dụng trong quá trình sản xuất", người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson cho biết trong một tuyên bố đưa ra hôm 28/12.
Bức ảnh do quân đội Ukraine công bố cho thấy một UAV Shahed được cho là của Iran bị bắn rơi tại Ukraine (Ảnh: AP).
Bà Adrienne Watson nói thêm, Nhà Trắng đang "đánh giá các bước tiếp theo mà chúng tôi có thể thực hiện về mặt kiểm soát xuất khẩu để hạn chế quyền tiếp cận của Iran đối với các công nghệ được sử dụng trong máy bay không người lái".
Theo báo cáo từ Conflict Armament Research, tổ chức nghiên cứu vũ khí, các UAV của Iran được chế tạo với thiết bị được sản xuất ở Mỹ, châu Âu và châu Á.
Tuyên bố này được đưa ra giữa lúc Washington cáo buộc Tehran cung cấp UAV chiến đấu cho Nga để tham chiến ở Ukraine.
Kiev đã cáo buộc Moscow sử dụng máy bay không người lái cảm tử Shahed-136 của Iran trong các cuộc tấn công vào thủ đô nước này và nhiều thành phố khác.
Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ các cáo buộc trên nói rằng Nga chỉ sử dụng thiết bị do nước này sản xuất trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaan cũng tuyên bố, việc Kiev cáo buộc Iran cung cấp vũ khí cho Nga là "vô căn cứ", nhấn mạnh "Tehran không cung cấp khí tài quân sự cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột".
Tranh cãi về "cuộc chiến UAV" diễn ra vào thời điểm quan trọng của cuộc xung đột, khi Nga cáo buộc Ukraine cũng sử dụng UAV để tấn công sâu vào Nga, bao gồm cả cuộc tấn công vào tuần này vào căn cứ có một số máy bay ném bom chiến lược của Moscow.
Giới chức ở Washington và London cũng lo ngại rằng Iran có thể sắp cung cấp tên lửa cho Nga, giúp Moscow lấp lổ hổng thiếu hụt nghiêm trọng.
Các quan chức trong liên minh phương Tây tin rằng, Iran và Nga, vốn đang chịu các lệnh trừng phạt mạnh mẽ của phương Tây do Mỹ dẫn đầu, đang xây dựng một liên minh mới.
Một quan chức quân sự phương Tây nhận định, quan hệ đối tác đã nhanh chóng trở nên sâu sắc hơn, sau khi Iran đồng ý cung cấp UAV cho Nga vào mùa hè năm 2021.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã từ bỏ hy vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 với Tehran, và cứ vài tuần lại bổ sung các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào quốc gia Hồi giáo này.
Trong nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công UAV, các trợ lý của Tổng thống Biden cũng đang lôi kéo một đồng minh thân cận vốn được xem là "kẻ thù không đội trời chung" với Iran: Israel.
Trên thực tế, Israel và Mỹ từng nhiều lần hợp tác đối phó với các mối đe dọa công nghệ bắt nguồn từ Tehran. Họ cùng nhau phát triển một trong những cuộc tấn công mạng tinh vi và nổi tiếng nhất thế giới, sử dụng mã máy tính mà sau này được gọi là Stuxnet để tấn công các cơ sở máy ly tâm hạt nhân của Iran.
Kể từ đó, Israel thường công khai những nỗ lực phá hoại các trung tâm làm giàu hạt nhân của Iran.
Hiện nay, Mỹ được cho là đang giúp Ukraine nhắm các địa điểm nơi UAV được triển khai, đồng thời cung cấp cho Kiev các thiết bị có khả năng phát hiện UAV từ sớm sau khi được triển khai.
Chính quyền ông Biden thậm chí được cho là đang cân nhắc thiết lập một nhóm đặc trách để điều tra làm thế nào công nghệ của Mỹ lại được sử dụng cho việc sản xuất UAV của Iran.
Mỹ cũng đang nghiên cứu các biện pháp hạn chế xuất khẩu bổ sung đối với Iran. Vào tháng 9 và tháng 11, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa một số công ty Iran vào danh sách đen do cáo buộc liên quan đến việc bán UAV cho Nga.