"Quý vị đã thấy chúng tôi tuyên bố nhiều lần rằng không có bất cứ đàm phán nào về Ukraine mà không có Ukraine. Đó là quan điểm của chúng tôi về cách tiếp cận này. Chúng tôi ủng hộ một nền hòa bình công bằng", hãng tin TASS dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết.
Một xe quân sự của Ukraine gần Bakhmut, tỉnh Donetsk hôm 30/11 (Ảnh: Getty).
Bà Jean-Pierre giải thích thêm: "Nói về nền hòa bình công bằng phải bao gồm các nguyên tắc trong Hiến chương Liên hợp quốc về toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của mỗi quốc gia, nhưng tôi đã nêu".
Người phát ngôn Nhà Trắng nhấn mạnh, mục tiêu của Mỹ là "tiếp tục hỗ trợ Ukraine trên chiến trường để họ có vị thế tốt nhất trên bàn đàm phán".
Triển vọng hòa đàm giữa Nga và Ukraine vẫn mờ mịt khi xung đột đã bước sang tháng thứ 11. Bà Jean-Pierre nêu rõ, Washington coi việc Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraine không thể là nền tảng cho bất cứ đàm phán thực chất nào.
Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, không có kế hoạch hòa bình nào khả thi nếu nó không tính tới 4 vùng lãnh thổ mới được sáp nhập vào Nga. "Tôi muốn nhắc lại một lần nữa rằng, không có kế hoạch hòa bình nào của Ukraine khả thi nếu không tính tới thực tế hiện nay với 4 vùng lãnh thổ mới sáp nhập vào Nga. Bất kỳ kế hoạch nào không tính tới bối cảnh này đều không thể gọi là kế hoạch hòa bình", ông Peskov nói cuối tháng trước.
Đây là phản ứng của Moscow sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra "công thức hòa bình" gồm 10 điểm, trong đó có yêu cầu Nga phải rút toàn bộ quân, Ukraine khôi phục toàn vẹn lãnh thổ.
Giới quan sát tin rằng, Nga và Ukraine chưa thể ngồi vào bàn đàm phán vào lúc này.
Ông Hans-Lothar Domrose, một cựu tướng NATO, đầu tuần này nhận định xung đột Nga - Ukraine sẽ đi vào bế tắc trong những tháng tới và hai bên có thể đạt một số thỏa thuận ngừng bắn vào mùa hè này. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, ngừng bắn không đồng nghĩa với hòa bình, mà chỉ là tạm dừng xung đột. Theo ông, các cuộc hòa đàm chấm dứt xung đột "sẽ mất nhiều thời gian".
Ông Domrose cũng bình luận: "Tôi khó có thể tưởng tượng việc Ukraine giành lại hoàn toàn quyền kiểm soát các lãnh thổ do Nga nắm giữ, ngay cả khi được phương Tây cung cấp vũ khí hạng nặng như xe tăng và pháo binh".
Giới chức Ukraine tuần trước cho biết, quân đội nước này đã giành lại khoảng 40% lãnh thổ bị Nga kiểm soát từ đầu năm nay. Mục tiêu của Kiev là lấy lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ, bao gồm cả bán đảo Crimea.
Trong một diễn biến liên quan khác, Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal hôm qua cho hay, ước tính nước này cần hơn 700 tỷ USD để tái thiết sau xung đột. Con số này thấp hơn so với dự đoán 1.000 tỷ USD mà Tổng thống Zelensky đưa ra. Ukraine có ý định dùng những tài sản tịch thu từ các ngân hàng Nga để phục vụ tái thiết.
Tháng trước, lãnh đạo Ukraine tiết lộ, chính phủ Ukraine đang thuê công ty quản lý tài sản BlackRock của Mỹ "cố vấn về cách cơ cấu các quỹ tái thiết đất nước".