"Hiện giờ, cuộc chiến ở Ukraine đang ở giai đoạn quan trọng. Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để giúp Ukraine đối phó đà tiến công của Nga", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong một cuộc họp chính phủ ngày 6/1.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: EPA).
Chủ nhân Nhà Trắng cho biết thêm: "Chiều nay, tôi đã cuộc thảo luận sâu với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, các đồng minh và đối tác châu Âu về Ukraine. Rất nhiều nước có chung quan điểm với chúng ta".
Ông Biden đề cập đến quyết định gần đây của Washington về việc cung cấp các xe chiến đấu bộ binh Bradley và hệ thống phòng không Patriot nhằm giúp Ukraine tăng cường năng lực quân sự. "Những khí tài này sẽ hỗ trợ đáng kể cho Ukraine", người đứng đầu chính phủ Mỹ nói.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre hôm qua thông báo, Mỹ sẽ cấp gói viện trợ mới trị giá khoảng 3 tỷ USD dành cho Ukraine. Gói viện trợ này bao gồm xe chiến đấu bộ binh Bradley, xe bọc thép chở quân, tên lửa phòng không Sea Sparrow, lựu pháo tự hành.
Mỹ là quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất cho Kiev kể từ xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2 năm ngoái. Quan điểm của Washington là sẽ tiếp tục cung cấp trang thiết bị, khí tài giúp Ukraine giành ưu thế trên chiến trường, từ đó có vị thế tốt nhất trên bàn đàm phán.
Giới chức Đức trong tuần này cũng thông báo sẽ chuyển khoảng 40 xe chiến đấu bộ binh Marder và 1 tổ hợp phòng không Patriot cho Ukraine. Trong khi đó, Pháp cam kết gửi các xe tăng bánh lốp trong thời gian tới. Các nước này cũng hỗ trợ binh sĩ Kiev vận hành những khí tài, trang thiết bị nói trên. Dự kiến, thời gian huấn luyện kéo dài vài tuần.
Chiến sự Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 11. Kiev liên tục kêu gọi các đồng minh, đối tác phương Tây cung cấp vũ khí hiện đại để đẩy lùi đà tiến công của Nga, khôi phục lãnh thổ.
Nga đang tiếp tục chiến thuật tập kích ồ ạt để phá hủy hạ tầng trọng yếu và làm kiệt quệ hệ thống phòng không của Ukraine.
Kiev cho rằng, sau hàng loạt cuộc tập kích quy mô lớn kiểu này, kho tên lửa của Nga đã cạn kiệt đáng kể. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Rezniko đánh giá, Nga hiện chỉ còn 19% dự trữ tên lửa chiến lược chính xác cao, khoảng 78% tên lửa chiến thuật và 12% máy bay không lái được cho là mua từ Iran. Moscow cũng chỉ còn khoảng 9% tên lửa Kalibr và 11% tên lửa đạn đạo Iskander và một số lượng nhất định tên lửa hành trình, tên lửa S-300.
Trước đó, giới quân đội Ukraine dự đoán, Nga chỉ còn đủ tên lửa cho 2 cuộc tập kích diện rộng nữa và bắt đầu tăng cường sử dụng máy bay không người lái.
Sergei Chemezov, người đứng đầu tập đoàn công nghiệp quốc phòng Nga Rostec, đầu tháng này cho biết, các nhà máy sản xuất thiết bị quân sự nước này đang hoạt động hết công suất trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt.