Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 14/3 cho biết, chính phủ nước này có thể chuyển các tiêm kích MiG-29 do Liên Xô sản xuất cho Ukraine "trong vòng 4 đến 6 tuần tới".
Một tiêm kích MiG-29 của Ba Lan (Ảnh: The Aviationist).
Theo Reuters, động thái này có thể cho thấy các đối tác của Ukraine có thể đang tiến gần tới một thỏa thuận trong bước tiếp theo của nỗ lực hỗ trợ quân sự cho Kiev. Mặc dù vậy, ông Morawiecki cũng không nói rõ liệu các nước NATO khác có quyết định viện trợ tiêm kích cho Ukraine hay không.
Ba Lan cho biết họ sẵn sàng cùng các nước đồng minh gửi các máy bay chiến đấu tới Ukraine. Tuy nhiên, các nước phương Tây như Mỹ hay Đức tới nay vẫn duy trì cách tiếp cận thận trọng đối với việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine vì lo ngại chiến sự vượt khỏi tầm kiểm soát.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad nói rằng nước này có thể gửi MiG-29 tới Ukraine. Hai nước NATO cũng kêu gọi các thành viên còn lại của liên minh cùng gửi tiêm kích tới Ukraine.
Các thành viên NATO ở khu vực Đông Âu như Ba Lan và Slovakia đã ủng hộ mạnh mẽ Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự hơn một năm trước.
Theo Reuters, cam kết của Warsaw với nước láng giềng đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục các đồng minh châu Âu gửi vũ khí hạng nặng cho Ukraine, bao gồm cả xe tăng, trong thời gian qua.
Khi được hỏi về số lượng MiG-29 mà Ba Lan có thể gửi cho Ukraine, chánh văn phòng tổng thống Ba Lan, ông Pawel Szrot, nói con số này chắc chắn sẽ không vượt qua 14 chiếc. Không quân Ukraine đã quen vận hành MiG-29 nên họ có thể đưa vào tác chiến tiêm kích này ngay lập tức mà không cần huấn luyện bổ sung.
Ba Lan đã biên chế MiG-29 từ 1989 và có 28 chiếc trong phi đội. Họ đang dần thay MiG-29 bằng máy bay phản lực đa nhiệm F-16 do Mỹ sản xuất và FA 50 của Hàn Quốc, đồng thời cũng đang mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ.