Bloomberg ngày 28/3 dẫn một bản đề xuất dự thảo cho hay, các bộ trưởng năng lượng EU được cho đang bàn bạc một kế hoạch cho phép các nước thành viên trong khối chặn nhập LNG của Nga mà không cần đưa ra các biện pháp trừng phạt mới.
Trong thời gian qua, châu Âu tăng nhập LNG từ các bên, trong đó có Nga, sau khi nguồn cung khí đốt chảy qua đường ống của Moscow giảm (Ảnh: Reuters).
Theo hãng tin Mỹ, kế hoạch dường như liên quan đến việc trao cho chính phủ các quốc gia EU quyền hợp pháp để tạm thời ngăn các nhà xuất khẩu Nga đặt trước công suất tại các cơ sở nhập khẩu LNG của châu Âu. Các nhà xuất khẩu Nga cần đảm bảo cơ sở hạ tầng ở nơi mua để chứa LNG trước khi giao hàng. Vì vậy, lệnh cấm này, nếu được thông qua, có thể gián tiếp chặn đường LNG của Nga chuyển sang châu Âu. Theo Bloomberg, đây tiếp tục là nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc của EU vào năng lượng Nga sau khi châu Âu trong thời gian qua đã giảm mạnh nhập dầu mỏ và khí đốt chảy qua đường ống của Moscow.
Các bộ trưởng năng lượng châu Âu dự kiến sẽ bàn bạc về đề xuất nói trên tại cuộc họp hôm 28/3, theo Bloomberg. Để có thể có hiệu lực, đề xuất này sẽ cần phải được Nghị viện châu Âu thông qua.
Trong thời gian qua, EU đã cấm dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga và cùng với các nước G7 áp đặt giá trần đối với dầu thô của Moscow. Lượng khí đốt Nga bán cho châu Âu đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong những tháng gần đây do các lệnh trừng phạt liên quan đến chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine và vụ 2 đường ống Dòng chảy phương Bắc bị hỏng nghi do âm mưu phá hoại.
Tuy nhiên, để bù đắp cho lượng khí đốt qua đường ống bị gián đoạn, EU đã và đang đẩy mạnh nhập khẩu LNG, bao gồm cả từ Nga. Theo tổ chức tư vấn kinh tế Bruegel có trụ sở tại Brussels, vào năm 2022, nhập khẩu LNG của EU từ Nga đạt mức cao nhất trong 3 năm, ở mức 19,2 tỷ m3.
Đầu tháng này, giám đốc năng lượng của EU Kadri Simson đã kêu gọi các quốc gia thành viên ngừng nhập khẩu LNG của Nga, thúc giục các công ty không gia hạn hợp đồng dài hạn với Moscow khi các hợp đồng hiện tại kết thúc. Các báo cáo tuần trước cho thấy Tây Ban Nha, nước mua lượng LNG lớn hàng đầu châu Âu, cũng đã yêu cầu các nhà nhập khẩu không ký kết các thỏa thuận mới để mua nhiên liệu từ Moscow.