Quyết đoán và phô diễn nhiều hơn
01 Tháng Mười Một 2013 7:33 SA GMT+7
Phát biểu trước 4.000 binh lính thuộc Lực lượng Phòng vệ mặt đất khi có chuyến thanh sát tại Asaka, tỉnh Saitama hôm 27/10 của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thực sự khiến cho căng thẳng giữa đất nước Mặt trời mọc với quốc gia đông dân nhất thế giới càng trở nên phức tạp.

Bởi ông Shinzo Abe khẳng định, Tokyo sẽ không cho phép có sự thay đổi về hiện trạng và sẽ tiếp tục nghiên cứu việc thay đổi Hiến pháp. Đồng thời đưa ra cảnh báo mới về các hoạt động hàng hải ngày càng gia tăng của Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, cũng như cam kết đảm bảo tiến hành các hoạt động tình báo và giám sát cần thiết để bảo vệ các hải đảo xa xôi của Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe cũng nhấn mạnh, Nhật Bản sẽ không tha thứ cho việc sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng khu vực. Đây là tuyên bố cứng rắn thứ 2 của ông Shinzo Abe đối với Trung Quốc trong mấy ngày qua.

Tuyên bố cứng rắn của Nhật Bản

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ The Wall Street Journal (số ra ngày 26/10), Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định, Nhật Bản đã sẵn sàng đảm đương vai trò là người tiên phong ở châu Á nhằm chống lại sức mạnh của Trung Quốc và thái độ hung hăng của Bắc Kinh tại Châu Á - Thái Bình Dương. Ông Shinzo Abe cho rằng, Trung Quốc đang có động thái thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, không muốn thông qua Luật pháp Quốc tế. Thủ tướng Shinzo Abe cũng khẳng định, sau những cuộc gặp với lãnh đạo các nước Đông Nam Á và trong khu vực, ông nhận thấy các nước đang trông đợi Tokyo giữ vai trò lãnh đạo về vấn đề an ninh trong bối cảnh chính sách ngoại giao của Trung Quốc ngày càng trở nên quyết liệt. Dự kiến, trong tháng 12 Nhật Bản sẽ tổ chức cuộc họp với lãnh đạo 10 quốc gia ASEAN để thúc đẩy quan hệ với những nước này. Trước đó (23/10), Thủ tướng Shinzo Abe cam kết, sẽ hãm phanh sự leo thang của Trung Quốc trên biển Hoa Đông và Biển Đông bởi theo ông, các tuyến hàng hải cần được mở cửa và hoạt động tự do hàng hải phải được bảo vệ.

Hải quân Hàn Quốc diễn tập đổ bộ lên đảo Dokdo hôm 25/10

Ngày 26/10, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, chiến đấu cơ của Lực lượng Phòng vệ trên không đã xuất kích trong ngày thứ hai liên tiếp để đối phó với 4 máy bay quân sự Trung Quốc bay trên vùng biển quốc tế giữa đảo chính của quần đảo Okinawa và đảo Miyako. Trước đó (25/10), Bộ Tham mưu liên quân, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, chiều 25/10, họ phát hiện 2 máy bay cảnh báo sớm Y-8 và 2 máy bay ném bom H-6 của không quân Trung Quốc bay qua bầu trời vùng biển quốc tế giữa đảo Okinawa và đảo Miyako, từ biển Hoa Đông bay tới Thái Bình Dương. Máy bay chiến đấu F-15 từ căn cứ Naha, thuộc Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản đã khẩn cấp cất cánh để ứng phó, cho dù máy bay Trung Quốc chưa xâm phạm không phận Nhật Bản. Ngày 24/10, 5 tàu chiến Trung Quốc đã vượt qua vùng biển giữa đảo Okinawa và đảo Miyako, tỉnh Okinawa chạy ra Thái Bình Dương. Cũng trong ngày 24/10, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho biết, Tokyo sẽ triển khai một đơn vị tên lửa đất đối hạm trên hòn đảo Miyako ở phía nam tỉnh Okinawa vào tháng tới.

Phát biểu trước Hạ viện khi đệ trình Ngân sách năm 2014 hôm 25/10, Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Najib Tun Razak cho biết, các lực lượng vũ trang Malaysia sẽ được phân bổ 13,2 tỉ ringgit (4,2 tỉ USD) để thắt chặt an ninh biên giới, loại bỏ những mối đe dọa từ bên ngoài có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Malaysia cũng đã phân bổ 760 triệu USD để mua thêm 6 tàu tuần tra xa bờ, 4 máy bay vận tải, xe tăng và thiết bị hỗ trợ cho mục đích này. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Tun Hussein thông báo, Kuala Lumpur có thể xây dựng một căn cứ tại Bintulu ở Biển Đông.

Tờ South China Morning Post số ra ngày 26/10 cho biết, Tư lệnh Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương, Chuẩn Đô đốc Mark Montgomery, chỉ huy nhóm tàu sân bay tấn công của Mỹ đóng tại Yokosuka, Nhật Bản tuyên bố, việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ ra khắp châu Á sẽ tạo ra tác động mang tính bình ổn cho khu vực vốn đang trong căng thẳng vì những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải.

Trước đó (24/10), tờ Nihon Keizai Shimbun đưa tin, Nhật Bản là quân cờ kiềm chế Trung Quốc của Nga và nếu không đến mức đối đầu nghiêm trọng với Bắc Kinh, Moskva sẽ không xích lại quá gần với Tokyo. Điều này đồng nghĩa với việc Nga hầu như không có ý định nhượng bộ trong vấn đề lãnh thổ với Nhật Bản cho dù đã đồng ý triệu tập hội nghị “2+2” ở Tokyo vào ngày 1/11 với sự tham dự của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước.

Quyết tâm của Trung Quốc

Vẫn theo tờ South China Morning Post, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kêu gọi thực hiện một chiến lược toàn diện về việc cải thiện quan hệ với các nước láng giềng. Theo ông Tập Cận Bình, duy trì môi trường hòa bình và ổn định với các nước láng giềng là chìa khóa cho sự phục hưng dân tộc Trung Hoa và là mục tiêu trong chính sách đối ngoại của ban lãnh đạo Trung Quốc. Trong khi đó Tân Hoa xã vừa dẫn nguồn từ tờ Thành Đô thương báo cho biết, ông Lý Triệu Tinh, cựu Ngoại trưởng Trung Quốc vừa ra bãi James ở phía nam quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), chỉ cách bờ biển Malaysia 80km để tuyên bố cái gọi là "chủ quyền" với danh nghĩa cá nhân. Động thái này cho thấy Trung Quốc đang cố tình làm thay đổi hiện trạng Biển Đông.

Lý Triệu Tinh, cựu Ngoại trưởng Trung Quốc

Ngày 26/10, Hội thảo về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc với sự tham gia của chính trị gia, nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, nguyên lãnh đạo Quân đội Trung Quốc và các nhà nghiên cứu của 2 nước. Tại hội thảo (diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/10), nguyên Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đường Gia Triền cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là phải nhìn thẳng vào sự thật về vấn đề giữa 2 nước, từ đó xem xét vấn đề tồn tại là gì để giải quyết. Ngày 25/10, chuyên gia Berkshire Miller thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương (Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược của Mỹ) cho rằng, quan hệ đối tác Mỹ - Nhật - Australia có cơ hội phát triển mạnh cho dù gặp không ít thách thức, đặc biệt là từ Trung Quốc. Bởi 3 quốc gia kể trên đều bày tỏ quan điểm chống Trung Quốc.

Trong khi đó phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh tuyên bố (26/10), các chuyến bay và hoạt động huấn luyện của máy bay quân sự Trung Quốc, kể cả máy bay không người lái, trên các khu vực hữu quan ở biển Hoa Đông là phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Trước đó (24/10), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Doanh) cũng cảnh báo, Nhật Bản không nên khuấy động thêm căng thẳng. Còn theo tờ PLA Daily, quân đội Trung Quốc vừa thử thành công loại ngư lôi mới nhất được cho là có khả năng bắn hạ tàu sân bay cùng tên lửa phòng không Hồng Kỳ 16.

Trong một diễn biến hữu quan, Đại sứ Hàn Quốc ở Trung Quốc Kwon Young-se tuyên bố, Seoul sẽ tăng cường hợp tác ngoại giao với Bắc Kinh để ứng phó với những động thái nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của Tokyo đối với quần đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima. Ông Kwon Young-se đưa ra tuyên bố này sau khi Hàn Quốc và Trung Quốc kịch liệt phản đối việc Nhật Bản đưa lên trang YouTube 2 đoạn phim tuyên truyền chủ quyền của Tokyo đối với quần đảo Dokdo/Takeshima và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó (23/10), Tòa án Tối cao Tokyo đã bác đơn kháng cáo của một nhóm người Hàn Quốc đề nghị loại một số tên khỏi danh sách những người được thờ tự tại ngôi đền Yasukuni.

Đua nhau tập trận

Từ 28/10, ở nhóm đảo Natuna thuộc Biển Ðông, các lực lượng vũ trang Indonesia tiến hành cuộc tập trận thường niên lớn nhất (với gần 2.000 quân và 43 máy bay chiến đấu) nhằm kiểm tra sức mạnh của quân đội và vũ khí, cũng như cải thiện khả năng chiến đấu chuyên nghiệp. Còn theo Tân Hoa xã đưa tin (25/10), 3 hạm đội của Trung Quốc là Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải đang tập trận tác chiến chung ở tây Thái Bình Dương (từ 18/10 đến đầu tháng 11).

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng vừa công bố, các lực lượng hải, lục, không quân nước này có kế hoạch tổ chức một cuộc diễn tập chiếm đảo quy mô lớn (từ ngày 1 đến ngày 18/11), với sự tham gia của hơn 34.000 binh sĩ tại vùng biển cực nam của đất nước Mặt trời mọc. Theo kế hoạch, cuộc diễn tập sẽ diễn ra tại một hòn đảo không có người sinh sống ở Okidaitojima, cách Okinawa khoảng 400km về phía nam. Trong cuộc diễn tập này, Trung đoàn Bộ binh phương Tây của Lục quân phòng vệ Nhật Bản, đơn vị có nhiệm vụ phòng thủ bờ biển, sẽ triển khai một tàu đổ bộ chở xe tăng lớp Osumi tiếp cận mục tiêu. Dự kiến, máy bay chiến đấu F-2 và tàu khu trục cũng sẽ tham gia cuộc diễn tập đổ bộ và thực binh hỏa lực này. Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, cuộc diễn tập lần này của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có "thủ đoạn đa dạng", quy mô cũng ngày càng lớn, có tính chất "đánh chiếm đảo" rất rõ rệt.

Ngày 25/10, Hàn Quốc tiến hành tập trận bảo vệ quần đảo Dokdo/Takeshima với sự tham gia của 5 tàu chiến (trong đó có tàu khu trục 3.200 tấn Gwanggaeto), 1 tàu tuần tra và nhiều chiến đấu cơ F-15K, máy bay chống ngầm P-3C Orion, trực thăng CH-60 và CH-47. Theo Đại tá Wee Yong-sub, người đứng đầu đơn vị thông tin đại chúng của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Seoul đã mở cửa cuộc diễn tập với báo giới để cho thấy ý chí mạnh mẽ bảo vệ quần đảo Dokdo/Takeshima của quân đội nước này. Tuy đây là cuộc tập trận thường kỳ nhằm ngăn chặn lực lượng bên ngoài tiếp cận quần đảo Dokdo/Takeshima bằng đường biển và đường không, nhưng Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga vẫn coi đây là “hành động cực kỳ đáng tiếc”, đồng thời phản đối mạnh mẽ vấn đề này. Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu nhà ngoại giao Kim Won-jin của Hàn Quốc, người phụ trách các vấn đề chính trị tại Đại sứ quán Hàn Quốc ở Tokyo tới để phản đối cuộc tập trận. Được biết, Hàn Quốc tập trận 2 lần/năm kể từ năm 1986 gần quần đảo Dokdo/Takeshima, nhưng chưa từng huy động lực lượng hải quân tham gia.

Sự khó hiểu của Philippines

Theo Thiếu tá Gregory Fabic, phát ngôn viên Hải quân Philippines, tàu chiến BRP Ramon Alcaraz (PF-16) hiện đang trải qua giai đoạn cuối cùng ở cầu cảng cạn sẽ được bàn giao cho lực lượng hải quân nước này trong tuần thứ 3 của tháng 11. Ngày 25/10, tàu sân bay lớp Nimitz USS George Washington dẫn đầu nhóm tàu sân bay tác chiến số 5 gồm 2 tàu tuần tiễu tên lửa, 1 tàu khu trục, 1 tàu cung ứng và 1 tàu ngầm tấn công nhanh của Hải quân Mỹ đã tới Vịnh Manila, Philippines. Thông qua việc phô diễn sức mạnh quân sự trong khu vực, Washington muốn tìm cách tăng cường vị thế ngoại giao vốn đang bị sụt giảm sau khi Tổng thống Barack Obama vắng mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC và ASEAN hồi đầu tháng 10.

Cũng trong ngày 25/10, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin đã giải thích những thông tin trái ngược nhau về 75 khối bê tông ngoài bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Bởi trước đó (tháng 9) ông Voltaire Gazmin từng công bố trước Quốc hội rằng, quân đội Philippines phát hiện 75 khối bê tông mới được thả xuống Scarborough/Hoàng Nham, dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh chuẩn bị bỏ móng công sự trái phép. Theo Hãng thông tấn AFP, 75 khối bê tông này do Mỹ thả xuống Scarborough/Hoàng Nham từ thập niên trước để cố định các con tàu cũ và làm bãi tập ném bom. Trong khi đó tờ The Philippine Star dẫn lời Tổng thống Philippines Benigno Aquino III khi ông bất ngờ tuyên bố, 75 khối bê tông nằm rải rác ngoài bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham không phải là hiện tượng lạ vì chúng nằm đấy đã lâu, có khối còn bị hàu bám vào.

Ngày 24/10, Tokyo công bố kế hoạch về Văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) phiên bản Nhật Bản với tên gọi Cơ quan An ninh Quốc gia. Dự kiến, NSC sẽ chính thức được thành lập trong tháng 11 và sẽ có Ban đặc trách Trung Quốc. Giới truyền thông vừa dẫn thông tin từ cơ quan Tham mưu trưởng liên quân Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, một tàu ngầm lớp Soryu mới nhất AIP (không lệ thuộc vào thiết bị đẩy không khí) sẽ hạ thủy vào ngày 31/10. Khi đó, tổng số tàu ngầm lớp Soryu đã hạ thủy của Nhật Bản sẽ đạt 6 chiếc. Hạm đội tàu ngầm Nhật Bản thuộc Hạm đội Phòng vệ của Lực lượng Phòng vệ Trên biển hiện có 16 tàu tác chiến và 2 tàu huấn luyện.

 

Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh

Theo Petrotimes

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.