Biển Đông sẽ không ngừng nổi sóng?
24 Tháng Hai 2014 6:51 SA GMT+7
Theo Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nổi tiếng về khu vực, một loạt các diễn biến xảy ra gần đây trên Biển Đông cho thấy tình trạng an ninh và ổn định ở khu vực này đang suy giảm.

Chỉ trong vòng một tháng rưỡi vừa qua, đã có 7 diễn biến mới xuất hiện làm gia tăng căng thẳng về cả ngắn và dài hạn ở khu vực.

Căng thẳng trong ngắn hạn

Năm xu hướng ngắn hạn bao gồm: Philippines thách thức lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc; sự bị động của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); hành động khiêu khích của Hải quân Trung Quốc ở bãi ngầm James (cách bờ biển Malaysia chỉ 80km); khả năng thiết lập một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông và sự phản đối mạnh mẽ hơn của Mỹ đối với ADIZ và các yêu sách chủ quyền hàng hải của Bắc Kinh.

Theo Tân Hoa xã, Hải quân Trung Quốc tổ chức một buổi lễ tuyên thệ bảo vệ cái gọi là “chủ quyền” của Bắc Kinh trong khi tuần tra ở bãi ngầm James hôm 26/1

Đầu tiên, vào tháng 1 vừa qua, chính quyền Philippines đứng ra phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông và công khai thách thức lệnh cấm đánh bắt cá của chính quyền tỉnh Hải Nam. Lực lượng vũ trang của nước này còn để ngỏ khả năng hỗ trợ an ninh cho ngư dân Philippines đi đánh bắt cá ở vùng biển tranh chấp.

Sang tháng 2, Tổng thống Philippines Benigno Aquino trong một cuộc phỏng vấn với The New York Times (Mỹ) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ Manila chống lại các đòi hỏi chủ quyền vô lý của Bắc Kinh. Ông Aquino thậm chí còn so sánh tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc với mộng bành trướng của phát xít Đức trong Thế chiến thứ II.

Diễn biến thứ hai xuất hiện ở Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Bagan, Myanmar trong hai ngày 16-17/01. Trong khi Philippines kêu gọi ASEAN đoàn kết để phản ứng với ADIZ và lệnh cấm đánh bắt cá, thì phần đông các nước còn lại chỉ “bày tỏ quan ngại sâu sắc” và mong các nước giải quyết vấn đề “bằng biện pháp hòa bình,” chứ không đưa ra các bình luận chính thức hay hành động cụ thể nào.

Chỉ vài hôm sau đó, một đội tàu của Hải quân Trung Quốc, gồm tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn và 2 tàu khu trục Vũ Hán và Hải Khẩu, nhổ neo từ căn cứ Hải Nam và đi tuần tra khắp Biển Đông. Đội tàu này sau đó cập bến bãi ngầm James, cách bờ biển Malaysia có 80km và Hải Nam khoảng 1.800km.

Đây là lần thứ hai trong 2 năm liên tiếp tàu chiến của Hải quân Trung Quốc xâm phạm bãi ngầm James để khẳng định cái gọi là “chủ quyền” của Bắc Kinh. Tuy nhiên, cả hai lần nhà chức trách Malaysia đều không hay biết và phủ nhận hoạt động trên của Trung Quốc. Điều này khiến người ta nghi ngờ - hoặc là Kuala Lumpur đã thiếu thành thực, hoặc khả năng cảnh báo của hải quân Malaysia quá kém, hoặc do chính quyền nước này yêu cầu lực lượng hải quân không đến khu vực trên để tránh va chạm.

Diễn biến thứ 4 là việc theo tờ Asahi Shimbun (Nhật Bản), một bản dự thảo ADIZ ở Biển Đông đã được lực lượng không quân Trung Quốc trình lên chính phủ nước này vào tháng 05/2013. Mặc dù ngay sau đó, phía Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận nhưng cần lưu ý rằng, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã từng tuyên bố vào năm ngoái rằng sẽ thành lập các khu vực ADIZ khác khi đã có sự “chuẩn bị sẵn sàng.”

Diễn biến thứ năm là ở thái độ ngày càng quyết liệt của Mỹ với ADIZ và yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Evan Medeiros, Giám đốc châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cảnh báo vào ngày 01/02 rằng, sự khiêu khích của Trung Quốc sẽ có thể làm gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực.

Tiếp đến, ngày 05/02, trong buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại thượng viện Mỹ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Daniel Russel nói Trung Quốc nên thu lại các tuyên bố về ADIZ. Ông này cũng phản đối “đường chín đoạn” và cho biết, Mỹ sẽ ủng hộ việc Philippines đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Xung khắc trong dài hạn

Việc Mỹ đang xem xét lại cán cân quyền lực tại Châu Á-Thái Bình Dương và quá trình hiện đại hóa không ngừng của Hải quân Trung Quốc là hai xu hướng dài hạn rất đáng lưu tâm.

Trong hai tháng vừa qua, đã có 3 quan chức cấp cao của Mỹ đưa ra những nhận xét khá bi quan về sự thay đổi trong cán cân quyền lực ở phía Tây Đại Tây Dương.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, sự thống trị tuyệt đối của người Mỹ đang giảm dần”, Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương cho biết trên tờ Defense News. “Đó không phải là điều gì đáng lo ngại, mà là thực tế cần phải nhìn nhận”, ông Locklear kết luận.

Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương

Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Frank Kendall cho rằng sự vượt trội về công nghệ của quân đội Mỹ đang bị thách thức nghiêm trọng từ quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc và bởi sự cắt giảm ngân sách quốc phòng của Washington.

Theo biên bản điều trần của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI), thì Trung Quốc đang có tham vọng tăng nhanh chóng các số lượng các đội tàu trên biển, tàu ngầm, và vũ khí.

Quốc gia này cũng vừa bắt đầu chế tạo tàu sân bay thứ hai, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào năm 2018. Nhiều chuyên gia còn cho rằng Trung Quốc sẽ vận hành đội tàu sân bay có khả năng chiến đấu ở các vùng biển xa vào năm 2020. Bên cạnh đó, cũng có những báo cáo cho biết, Trung Quốc đang xây dựng một tên lửa siêu thanh có khả năng thâm nhập vào các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Trong một bản phân tích phát hành vào đầu tháng 2, tạp chí quốc phòng uy tín IHS Jane ước tính rằng, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc sẽ đạt gần 160 tỷ USD trong năm 2015, tăng hơn 20 tỷ USD so với năm 2013.

Theo Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kendall, “nhìn chung, đầu tư quân sự của Trung Quốc đang gia tăng hai con số mỗi năm, khoảng 10%”.

Với các lực lượng bán quân sự địa phương, Trung Quốc cũng đầu tư khá nặng tay. Vào ngày 10/01, Trung Quốc đã biên chế một chiếc tàu 5.000 tấn cho Hạm đội Phòng vệ bờ biển phía Nam, đặt tại cái gọi là “thành phố Tam Sa” (đơn vị hành chính phi pháp do Trung Quốc lập nên để quản lý trái phép 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - PV). Ngoài ra, tờ Thời báo hoàn cầu và Bắc Kinh nhật báo của Trung Quốc cũng cho biết, nước này đang đóng một chiếc tàu Hải giám nặng 10 nghìn tấn, loại lớn nhất thế giới.

Rủi ro xung đột an ninh

Giáo sư Carl Thayer dự báo, những xu hướng an ninh ngắn và dài hạn sẽ càng làm trầm trọng thêm sự căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Philippines sẽ tiếp tục đấu khẩu với Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh sẽ có thể cho tàu chiến đóng quân tại Bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện đang bị Philippines chiếm đóng trái phép và Trung Quốc cũng đòi chủ quyền phi lý – PV).

Trung Quốc có thể thế chân Philippines, chiếm đóng trái phép Bãi Cỏ Mây?

Sự khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề giữa Philippines và Malaysia sẽ khiến cho bốn nước tranh chấp với Trung Quốc ở khu vực khó đạt được thỏa thuận chung.

ASEAN cũng đã không đạt được đồng thuận trong việc phản ứng với lệnh cấm bắt cá của Trung Quốc, cũng như khả năng thiết lập ADIZ. Trong khi đó, đây là những vấn đề gây rủi ro an ninh cho toàn Đông Nam Á, chứ không riêng gì các nước tranh chấp.

Về phía Trung Quốc, họ sẽ tiếp tục đẩy nhanh hiện đại hóa cả hải quân lẫn lực lượng bán quân sự tuần tra bờ biển.

Hải quân Trung Quốc sẽ tập trận ở trong “đường lưỡi bò”, xâm phạm vào các khu đặc quyền kinh tế của các quốc gia tranh chấp. Trong khi đội tàu bán quân sự của Bắc Kinh sẽ tăng cường tuần tra hoặc đóng quân trên Biển Đông với thời gian lâu hơn.

Chính sách chủ động hơn của Mỹ ở khu vực sẽ dễ dẫn tới những phản ứng về mặt chính trị, ngoại giao, và thậm chí là quân sự, của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp. Trong dài hạn, quá trình hiện đại hóa hải quân và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ tất yếu dẫn tới sự suy giảm quyền lực của hải quân Mỹ tại phía Tây Thái Bình Dương.

Minh Châu

Theo Petrotimes

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.