Những giả thiết về vụ máy bay Malaysia Airlines mất tích
11 Tháng Ba 2014 11:52 SA GMT+7
Cho đến nay, số phận của chiếc máy bay Boeing 777-200 cùng 239 người, trong đó có 153 công dân Trung Quốc có mặt trên chuyến bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines, khởi hành từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh và bị mất liên lạc từ rạng sáng ngày 08/03 vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp.

Từ những bất thường…

Trong vụ mất tích của máy bay Malaysia Airlines có rất nhiều điều bất thường.

Trước hết, Boeing 777 là dòng máy bay có thành tích an toàn thuộc loại cao nhất trong lịch sử hàng không. Loại máy bay này đi vào hoạt động từ tháng 6-1995 và 18 năm qua không hề xảy ra bất kỳ tai nạn chết người nào. Mặt khác, loại máy bay này có hai động cơ và một động cơ dự phòng. Trong trường hợp một động cơ đột ngột bị hỏng, thì vẫn còn một động cơ còn lại để hạ cánh. Giả thiết cả hai động cơ đều bị hỏng cùng lúc, thì động cơ dự phòng sẽ được tự động kích hoạt để máy bay tiếp tục bay. Việc hư hỏng đột ngột động cơ gần như chắc chắn không thể xảy ra. Hệ thống liên lạc của Boeing 777-200 cũng được trang bị cực kỳ tối tân, hiện đại, thời tiết khi máy bay bị mất tích tại cả Malaysia và phía nam Việt Nam đều rất tốt, không có hiện tượng nguy hiểm, nên khả năng do thời tiết làm ảnh hưởng đến việc máy bay mất tín hiệu liên hệ với mặt đất cũng không thể xảy ra.

Thông thường, thời gian hay xảy ra tai nạn nhất của một chuyến bay lại là lúc máy bay cất cánh và hạ cánh. Trong khi đó, phi cơ của Malaysia Airlines lại mất tích ngay khi đang ở trong giai đoạn được coi là an toàn nhất của hành trình ở độ cao độ cao gần 10.700m. Nếu có một sự cố kỹ thuật nhỏ - hoặc thậm chí một cái gì đó nghiêm trọng hơn như cả hai động cơ của máy bay đều bị tắt máy - phi công vẫn có thời gian kêu gọi giúp đỡ qua vô tuyến điện. Đó là chưa nói đến phi công điều khiển chuyến bay là người đã dày dặn kinh nghiệm và Malaysia Airlines cũng là hãng hàng không uy tín, có kỷ lục bay an toàn cao.

Một máy bay Boeing 777-200 cùng loại với chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines

Chính vì vậy, nhiều chuyên gia hàng không quốc tế đưa ra giả thiết rằng, những gì đã xảy phải thật đột ngột, bất ngờ và cực kỳ nghiêm trọng khiến phi công không có thời gian để thông báo việc máy bay bị nạn.

Chưa hết, thời gian mất liên lạc cũng là nghi vấn. Phía Malaysia liên tục nói rằng, đài kiểm soát không lưu Subang (bang Selangor, Malaysia) mất liên lạc với MH370 lúc 02h40 sáng theo giờ địa phương (01h40 sáng giờ Việt Nam), tức là khi đã bay được 2 tiếng. Nếu sự thật như vậy thì máy bay phải di chuyển được quãng đường dài hơn, tới gần miền Trung Việt Nam, vì tốc độ trung bình của Boeing 777-200 là khoảng 980km/h. Trong khi đó, vùng thông báo bay của Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh cho biết theo kế hoạch sẽ tiếp nhận điều khiển MH370 vào lúc 0h22 giờ Việt Nam và khi làm thủ tục tiếp nhận, họ liên lạc với tổ lái thì không thấy tăm hơi. Trên màn hình radar cũng không có số hiệu của chuyến bay này. Như vậy, máy bay mất tích chỉ sau khi bay khoảng 40 phút.

Trong khi đó ngày càng nhiều câu hỏi bí ẩn. Các thân nhân của một trong những người Trung Quốc đi trên máy bay đã nhận được tín hiệu phản hồi từ điện thoại di động của người này. Đột nhiên có tiếng chuông rồi ngắt máy. Nhà chức trách Malaysia đang xác minh xem tiếp xúc có thể xuất phát từ khu vực nào của vùng biển.

Một thông tin nữa, rất quan trọng và gần như đang hướng mọi sự chú ý đến sự xuất hiện của một số hành khách sử dụng hộ chiếu không phải của mình.

Giới điều tra đã phát hiện ra 4 trường hợp đáng khả nghi. Trong số đó có hai người sử dụng hộ chiếu của hai nước châu Âu, nhưng đó là hai hộ chiếu đã bị đánh cắp. Chủ nhân của hai hộ chiếu đó - một là công dân Italia và một là công dân Áo đã khai báo với cảnh sát là họ bị mất hộ chiếu tại Thái Lan vào năm 2012 và 2013. Cả hai người này đều đã không có mặt trong chuyến bay.

Trùng hợp hơn nữa là hai người sử dụng hộ chiếu không phải của mình nói trên được xác minh là đã mua vé cùng nhau qua Hãng Southern China Airlines - đơn vị cùng khai thác chuyến bay với Malaysia Airlines bằng đồng baht Thái Lan và có số xuất vé liên tiếp nhau là 99 và 100, hạng Q. Hành trình của "công dân Italia" là Kuala Lumpur - Bắc Kinh - Amsterdam - Copenhagen. Hành trình của "công dân Áo" là Kuala Lumpur - Bắc Kinh - Amsterdam - Frankfurt.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào những người sử dụng hai hộ chiếu đó đã qua mặt được kiểm soát sân bay và nhân viên di trú của Malaysia. Hiện các điều tra viên Malaysia, với sự hỗ trợ của Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang thăm dò, làm rõ danh tính của 2 hành khách đặc biệt này, bắt đầu từ dữ liệu thu được từ camera an ninh ở sân bay, đồng thời thẩm vấn các nhân viên di trú đã để lọt những “kẻ giả mạo”. Các giao thức an ninh sân bay Malaysia cũng được xem xét lại và có một số sai sót đã được thừa nhận.

Bên cạnh đó, sự việc cũng đặt câu hỏi những người trên đã làm thế nào để xin được giấy nhập cảnh vào Trung Quốc bởi quốc gia này có tiếng là nghiêm ngặt trong việc cấp visa và kiểm tra tại các cửa khẩu biên giới. Có phải chăng hộ chiếu châu Âu của 2 người trên đã giúp họ vượt qua được sự giám sát visa của Bắc Kinh? Bởi theo chính sách miễn thị thực gần đây của Trung Quốc, người dân của nhiều quốc gia phương Tây được phép miễn thị thực quá cảnh ở Bắc Kinh trong vòng 72 giờ đồng hồ miễn là họ có đủ điều kiện nhập cảnh vào nước thứ 3, có vé máy bay hoặc chứng minh được đi đến nước thứ 3.

…Đến các giả thuyết

Sau khi loại trừ được yếu tố thời tiết, ban đầu có nhiều giả thiết về nguyên nhân tai nạn của chuyến bay MH370, trong đó có nguyên nhân cháy nổ, lỗi cơ khí, lỗi phi công, không tặc, bị khủng bố.

Về nguyên nhân cháy, nổ mà một số phi công kỳ cựu đã dự đoán, tờ New York Times (Mỹ) hôm 09/03 dẫn lời một quan chức Chính phủ Mỹ giấu tên cho biết, hệ thống đặc chủng phát hiện mọi đốm sáng trên toàn thế giới của Lầu Năm Góc không hề phát hiện dấu hiệu nào của một vụ nổ.

Giả thiết về lỗi cơ khí đã xuất hiện hôm 09/03 khi dữ liệu radar của Malaysia cho thấy, máy bay có thể đã thực hiện một nỗ lực quay lại Kuala Lumpur bất thường trong những khoảnh khắc cuối cùng trước khi mất liên lạc. Khi làm động tác này, thường là máy bay gặp một sự cố hoặc phi công nghi ngờ có trục trặc. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng, phi công hoàn toàn có thể phát tín hiệu báo cáo về sự cố qua vô tuyến điện, nhưng việc này đã không xảy ra.

Chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh dự kiến sẽ đi trong 5 tiếng rưỡi đồng hồ

Cũng có giả thiết cho rằng, phi công đã tắt chương trình lái tự động mà không nhận ra nó cho đến khi sự việc thành quá muộn. Nhưng một số chuyên gia nhận xét rằng điều này là khó có thể xảy ra vì máy bay vẫn có thể được phát hiện bằng radar.

Bên cạnh đó, cũng từng xảy ra trường hợp hiếm hoi là phi công tự sát như trong một chuyến bay của EgyptAir, cất cánh từ New York tới Cairo vào năm 1999, bị rơi xuống Đại Tây Dương, phía nam tiểu bang Massachusetts, giết chết tất cả 217 hành khách và phi hành đoàn. Ban An toàn giao thông Quốc gia Hoa Kỳ phán quyết rằng, tai nạn là do phi công Gamil el-Batouty. Theo báo cáo, ông này đã cố tình khiến máy bay rơi như một hành động trả thù việc trước đó đã bị khiển trách và bị cơ quan quản lý cấm không được bay tuyến Hoa Kỳ nữa.

Trong trường hợp máy bay bị không tặc thì những tên không tặc thường sẽ buộc phi công phải hạ cánh tại sân bay và đáp ứng các yêu cầu của chúng chứ không biến mất cùng chiếc máy bay như vậy.

Đi sâu vào giả thiết khủng bố, có rất nhiều điều đáng để bàn tới.

Mặc dù sử dụng hộ chiếu giả không đồng nghĩa với việc là “khủng bố”, vì có thể những người này đã tìm cách nhập cư bất hợp pháp hoặc mua lại hộ chiếu từ thị trường chợ đen - như lập luận của một quan chức an ninh nội địa Mỹ nhưng giả thuyết về khả năng khủng bố đang được đặt lên hàng đầu và là hướng tập trung điều tra.

Trong giả thiết đó, trên tờ StraitTimes, một quan chức Malaysia khẳng định, sự liên quan của các phần tử ly khai cực đoan người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc cũng không bị loại trừ - đặc biệt trong bối cảnh xung đột bạo lực và tính chất manh động của các vụ tấn công khủng bố do những kẻ ly khai người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc chủ mưu đang có dấu hiệu gia tăng. Thời điểm xảy ra vụ mất tích lại đúng vào lúc Trung Quốc đang tổ chức họp Quốc hội và cách vụ thảm sát ở nhà ga Côn Minh, tỉnh Vân Nam làm 29 người thiệt mạng cũng do các phần tử cực đoan tộc người này ra tay đúng 1 tuần.

Người thân của hành khách trên chiếc máy bay mất tích gào khóc trong vô vọng

Malaysia cũng từng trục xuất 11 người Duy Ngô Nhĩ hồi năm 2011 về Trung Quốc với cáo buộc những người này đã tham gia vào một tổ chức buôn lậu người. Đến năm 2012, quốc gia Hồi giáo này lại trục xuất 6 người Duy Ngô Nhĩ khác vì sử dụng hộ chiếu giả.

Tuy vậy, một nguồn tin thân cận với giới chức trách Trung Quốc cho biết, hiện vẫn chưa xác nhận được mối quan hệ giữa vụ máy bay Malaysia Airlines mất tích với các chiến binh Duy Ngô Nhĩ, nhưng vụ việc này xảy ra sau vụ tấn công ở Côn Minh có 1 tuần cũng là một điểm “rất đáng nghi ngờ”. Ông Li Jiheng, Chủ tịch tỉnh Vân Nam, nơi xảy ra vụ tấn công bằng dao ở nhà ga Côn Minh, nói với các phóng viên hôm 9-3 rằng, chưa có thông tin cho thấy vụ khủng bố này và sự mất tích của chiếc máy bay là “có liên quan”.

Thay lời kết

Dẫu chưa thể khẳng định máy bay Malaysia Airlines mất tích là do nguyên nhân nào, song việc tìm kiếm cứu hộ 239 người có mặt trên chuyến bay vẫn đang là ưu tiên hàng đầu. Nếu điều đáng tiếc nhất xảy ra, đây sẽ là thảm họa hàng không đẫm máu nhất kể từ ngày 12/11/2001, khi chiếc máy bay mang số hiệu 587 của Hãng American Airlines đâm vào một khu phố ở New York, làm chết tổng cộng 265 người. Và đó thực sự là một cú sốc theo nhiều cách khác nhau.

Bên cạnh đó, vấn đề an ninh sân bay và kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh một lần nữa cần được báo động, xem xét và siết chặt lại ở các nước trên thế giới.

Riêng đối với Trung Quốc, nếu quả thực, đây là một vụ khủng bố nhằm vào Bắc Kinh của các phần tử cực đoan ly khai tộc người Duy Ngô Nhĩ, quốc gia này có lẽ sẽ có nhiều việc phải làm để thắt chặt các biện pháp an ninh tại các mục tiêu tiềm ẩn trên khắp cả nước, đặc biệt là Tân Cương. Bởi ở nơi mà người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo chiếm 45% dân số, nơi chiến lược đầy tham vọng của Bắc Kinh có tên gọi “Đại khai phát miền Tây” cùng với việc tái phân bổ dân cư đã đưa một thực tế nhạy cảm - vấn đề xung đột bản sắc dân tộc vẫn sẽ tiếp tục khiến lãnh đạo Trung Quốc đau đầu.

LTS: Ngày 08/03, Malaysia Airlines phát đi thông báo: Chiếc máy bay Boeing 777-200 cất cánh rời Kuala Lumpur vào 0h41 ngày 8/3 (giờ địa phương) và dự kiến tới Bắc Kinh khoảng 6h30 cùng ngày. Chiếc máy bay này mang số hiệu MH370, bay trong điều kiện thời tiết bình thường. Đường bay của nó hầu hết đi qua đất liền nên việc liên lạc thông qua ăng-ten, radar và sóng vô tuyến rất dễ dàng.

Nhưng chiếc máy bay này đã mất tích khi đang ở giai đoạn an toàn nhất của hành trình với độ cao khoảng 10.000m và mang theo nhiên liệu cho 7,5 giờ bay trong khi hành trình dự kiến chưa đến 6 giờ.

Ngay sau khi nhận được thông báo của Malaysia, các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam đã khẩn trương huy động lực lượng tìm kiếm cứu nạn bằng các loại phương tiện như máy bay, tàu cứu hộ, tàu cảnh sát biển, tàu cá đến địa điểm dự đoán máy bay rơi. Tuy nhiên, sau 3 ngày nỗ lực tìm kiếm, chưa có dấu hiệu nào khẳng định vị trí máy bay rơi và càng chưa có cơ sở nào để kết luận nguyên nhân máy bay mất tích.

Báo Năng lượng Mới xin giới thiệu với bạn đọc những thông tin quanh vụ mất tích bí ẩn của chiếc máy bay Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 mấy ngày qua:

 

Linh Linh

Theo Petrotimes

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.