Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông: Gương tày liếp
27 Tháng Ba 2014 6:27 SA GMT+7
Ngày 22/03, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Hà Lan, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 4 nước châu Âu và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân. Dự kiến, ông Tập Cận Bình sẽ gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân (diễn ra trong hai ngày 24 và 25/03 tại La Hay, Hà Lan). Và cũng theo dự kiến, ông Barack Obama sẽ có mặt tại cuộc họp với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề hội nghị kể trên.

Dồn dập các hoạt động

Trước đó (21/03), ông Min Kyung-wook, phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc cho biết, bà Park Geun-hye sẽ lần đầu tiên chính thức đàm phán với Thủ tướng Shinzo Abe bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân. Cho dù cuộc họp này có sự góp mặt của Tổng thống Barack Obama, nhưng đây là lần đầu tiên kể từ khi lên nhậm chức, bà Park Geun-hye mới chính thức gặp ông Shinzo Abe. Đây được coi là bước đột phá và cơ hội mở ra hy vong cải thiện mối quan hệ song phương sau những tranh cãi liên quan tới chủ đề lịch sử như việc Nhật Bản xâm chiếm Hàn Quốc (1910-1945). Động thái này diễn ra sau nhiều lần từ chối họp thượng đỉnh của Seoul vì các bất đồng về vấn đề lịch sử và tranh chấp tại quần đảo Dokdo/Takeshima với Tokyo. Việc cải thiện mối quan hệ Hàn - Nhật được coi là một trong những yếu tố quan trọng để giải quyết mối quan tâm của Mỹ khi quyết định “xoay trục” bởi Washington luôn hối thúc Seoul và Tokyo mở rộng hợp tác an ninh với các đồng minh của Hoa Kỳ tại châu Á để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Mẹ con bà Michelle gặp vợ chồng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Cũng trong ngày 21/03, Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama cùng mẹ và 2 con gái đã được vợ chồng Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tiếp khi bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc 1 tuần. Trong khi đó, nhiều người cho rằng, việc Mỹ cử ông Max Baucus, người chuyên về kinh tế (làm Thượng nghị sĩ Mỹ hơn 40 năm và có nhiều kinh nghiệm về giải quyết các vấn đề thương mại) đến Bắc Kinh làm tân Đại sứ chứng tỏ Washington tiếp tục đưa ra các ưu tiên về thương mại trong quan hệ với Trung Quốc. Cùng ngày 21/03, tờ Times of India đưa tin, New Delhi đã từ chối đề nghị của Bắc Kinh cho phép 4 tàu chiến Trung Quốc tiến vào vùng biển Ấn Độ gần quần đảo Andaman và Nicobar để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines. Bởi New Delhi không muốn tàu chiến Trung Quốc “đánh hơi” xung quanh khu vực Bộ Tư lệnh A&N (căn cứ quân sự của Ấn Độ trong khu vực nhìn ra eo biển Malacca).

Ngày 20/03, tờ Huffington Post dẫn lời phát biểu của Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris tại Đối thoại quốc phòng quốc tế lần thứ tư với chủ đề “Hợp tác hàng hải vì an ninh và ổn định” ở Jakarta (Indonesia), theo đó sự hiện diện của Mỹ tại Thái Bình Dương là cần thiết để giảm nguy cơ xảy ra mâu thuẫn; Mỹ phản đối bất kỳ động thái nào ảnh hưởng đến quyền tự do trên biển bởi tự do trên biển là điều kiện cần thiết tối thiểu cho thịnh vượng và phát triển thương mại toàn cầu. Trước đó (19/03), tờ Financial Times dẫn chỉ trích của Đô đốc Harry Harris về các khuynh hướng của Trung Quốc trong tranh chấp biển đảo và lãnh thổ; đồng thời cảnh báo các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương về nguy cơ “châu Á có thể rơi vào khủng hoảng như Crimea”. Ông Harry Harris cho rằng, lập trường ngày càng hung hãn của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp ở biển Hoa Đông và Biển Đông đã khiến cho các cuộc tranh chấp biển đảo với các nước hữu quan càng thêm căng thẳng. Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cũng tái khẳng định lập trường của Washington ủng hộ nỗ lực nhằm đi đến ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Cũng trong ngày 20/03, Hãng Kyodo dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, máy bay của Lực lượng hải quân phòng vệ Nhật Bản (JSDF) đã phát hiện một tàu ngầm lạ đang di chuyển ở vùng biển tiếp giáp đảo Miyakojima thuộc quần đảo Okinawa vào đêm 19/03 và rời khỏi khu vực này vào sáng 20/03. Chiếc tàu ngầm này bị máy bay tuần tiễu chống ngầm Kawasaki/Lockheed P-3C Orion của Nhật Bản phát hiện khi đang tuần tra tại khu vực này. Dù Bộ Quốc phòng Nhật Bản không tiết lộ chiếc tàu ngầm này thuộc quốc gia nào, nhưng người ta nghĩ ngay đó là tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc. Đây không phải lần đầu tiên Nhật Bản phát hiện tàu ngầm nước ngoài hoạt động tại vùng biển tranh chấp này. Gần 1 năm trước (tháng 05/2013), Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, đã phát hiện 3 tàu ngầm ở vùng biển giữa đảo Okinawa và Kagoshima và tuy không xác định rõ danh tính, nhưng Tokyo tin rằng đó là tàu ngầm của hải quân Trung Quốc.

Nguy cơ tiềm tàng

Ngày 21/03, Hãng AFP và Reuters dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Fernando Manalo cho biết, Manila sẽ chi hơn 525 triệu USD để mua máy bay chiến đấu từ Hàn Quốc và Canada. Hợp đồng mua bán sẽ được ký vào ngày 28/03, để mua 12 chiến đấu cơ FA-50 từ Tập đoàn Hàng không Hàn Quốc Aerospace và Tập đoàn Quốc doanh Commercial Corp của Canada sẽ cung cấp 8 trực thăng chiến đấu Bell 412. Ngoài ra, Philippines cũng sẽ chi 26 tỉ peso trong năm nay để mua 2 khinh hạm, 2 tàu vận tải biển chiến lược và 3 máy bay trực thăng săn tàu ngầm. Động thái này diễn ra trong bối cảnh tranh chấp biển đảo giữa Philippines với Trung Quốc ngày càng căng thẳng.

Bà Bonnie Glaser

Sáng 21/03, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, Hải quân Trung Quốc đã tổ chức lễ thượng cờ, biên chế tàu khu trục tên lửa 172 Côn Minh, thuộc Type 052D do Trung Quốc tự nghiên cứu, thiết kế và chế tạo. Đây là tàu khu trục tên lửa hiện đại nhất từ trước tới nay và cũng là chiếc đầu tiên thuộc Type 052D được biên chế cho Hạm đội Nam Hải của hải quân Trung Quốc. Ngày 18/03, Tân Hoa xã dẫn thông tin từ Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, Trung Quốc đã thay thế Pháp trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới (sau Mỹ, Nga và Đức), chiếm 6% kim ngạch toàn cầu. Theo số liệu của SIPRI, gần 3/4 vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc đã bán cho Pakistan, Myanmar và Bangladesh. Nhà nghiên cứu SIPRI Siemon Waesemann cho rằng, Trung Quốc đang muốn đặt chân tới châu Phi bởi Bắc Kinh rất quan tâm tới tài nguyên thiên nhiên ở khu vực này.

Cũng trong ngày 18/03, tờ USA Today đưa tin, để đáp trả có hiệu quả đối với khả năng “chống can dự/ngăn chặn khu vực” của các nước Trung Quốc, Iran, Bộ Quốc phòng Mỹ đang đẩy nhanh nghiên cứu chế tạo tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM). Được biết, Cơ quan chương trình nghiên cứu cao cấp quốc phòng Mỹ (DARPA) đã dành hợp đồng phát triển LRASM trị giá 175 triệu USD với thời hạn 2 năm cho Công ty Lockheed Martin, để hỗ trợ chương trình tên lửa bắt đầu từ năm 2009. DARPA cho biết, chương trình LRASM do Hãng Lockheed Martin đảm nhiệm cần số vốn đầu tư 132 triệu USD và thời gian 60 tháng phát triển. Trước đó, Washington đã thông qua một hợp đồng mua sắm quốc phòng trị giá 353 triệu USD để mua 224 tên lửa không đối diện liên hợp (JASSM) của Công ty Lockheed Martin, có sử dụng công nghệ tương đồng với LRASM.

Trong khi đó, trang mạng “Quan sát quân sự” của Nga cho biết, đầu tháng 3 vừa qua, trên các phương tiện truyền thông phương Tây lại một lần nữa xuất hiện thông tin về loại tên lửa đạn đạo thế hệ mới DF-26C của Trung Quốc bởi nó có uy lực mạnh (có tầm bắn 3.500-4.000km), gây ảnh hưởng rõ rệt đến cán cân lực lượng ở Châu Á - Thái Bình Dương. Sự xuất hiện của DF-26C không những khiến Ấn Độ, Nhật Bản bất an, mà Mỹ cũng cảm thấy không yên vì các căn cứ quân sự của họ ở Nhật Bản, Hàn Quốc đều nằm trong phạm vi uy hiếp của loại tên lửa này.

Không làm như thế

Ngày 22/03, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, thái độ coi thường mọi uy hiếp từ phương Tây cũng như việc kiểm soát cục diện Crimea “nhanh như chớp” của Nga đã tạo được ấn tượng đậm nét đối với dư luận Trung Quốc. Và nhiều người cho rằng, Bắc Kinh nên học tập “phong cách cứng rắn” của Điện Kremlin khi xử lý các vấn đề va chạm với láng giềng. Tuy nhiên, theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, đối với khu vực Đông Á, Trung Quốc phải chơi Thái Cực quyền - tuy hơi chậm và không sướng mắt, nhưng có thể giành được tối đa lợi ích quốc gia. Điều này đồng nghĩa với việc, Trung Quốc nói gì không quan trọng, quan trọng là thực lực của Trung Quốc ở đâu thì không ai dám manh động đến đó khiêu khích.

Lãnh đạo Hàn Quốc - Mỹ - Nhật Bản

Trước đó (21/03), tờ Philstar đăng phân tích của cựu Ngoại trưởng Philippines Roberto R.Romulo nhận định, Trung Quốc đang theo dõi sát sao tình hình Ukraine sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và thái độ phản ứng của các bên để tìm cách “nuốt trọn Biển Đông”. Theo ông Roberto R.Romulo, cũng giống như Nga, Trung Quốc chủ trương đòi cái gọi là “chủ quyền lịch sử” ở Biển Đông trong bối cảnh không có ai làm đối trọng với sự hung hăng của Bắc Kinh. Và cục diện Ukraine sẽ khuyến khích Bắc Kinh cho rằng, Mỹ sẽ không mạo hiểm tham gia các xung đột với Trung Quốc một khi xảy ra trên các đảo, bãi cát ngầm ở Biển Đông.

Nhiều người Philippines ngày càng nghi ngờ về sự sẵn sàng của Washington trong việc thực hiện cam kết theo Hiệp ước Quốc phòng Mỹ - Philippines nếu “toàn vẹn lãnh thổ” của Manila bị tổn hại. Cựu Ngoại trưởng Roberto R.Romulo cho rằng, Mỹ công bố “xoay trục” về Châu Á - Thái Bình Dương đã hơn 2 năm, nhưng cho đến nay mới dừng ở từ ngữ, thiếu hoạt động triển khai trên thực tế. Bởi Mỹ đang phải đối mặt với những lựa chọn khắc nghiệt trong bối cảnh Trung Đông vẫn đang hỗn loạn, trong khi Washington phải thu hẹp ngân sách quân sự vì điều kiện kinh tế. Xuất phát từ bối cảnh quốc tế và khu vực như vậy, việc Trung Quốc leo thang “chiếm trọn Biển Đông” không còn xa, mà rất hiện hữu và thực tế.

Cũng trong ngày 21/03, tờ News Week phân tích lý do tại sao Trung Quốc bỏ phiếu trắng dự thảo nghị quyết lên án cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea do Mỹ soạn thảo đệ trình Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Điều này cho thấy, Trung Quốc chẳng đứng về Nga, cũng chẳng ngả theo Mỹ, chỉ muốn “ngọa sơn quan hổ đấu”. Theo bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nếu “động đến Crimea”, tức là “chạm tới Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng” và đây là điều Bắc Kinh không bao giờ muốn xảy ra. Tờ News Week cũng cảnh báo, các phần tử dân tộc cực đoan Trung Quốc đang kêu gọi Trung Quốc động thủ tại Biển Đông và biển Hoa Đông khi Nga sáp nhập Crimea.

Cùng ngày 21/03, tờ Thời báo Hoàn Cầu khi dẫn lại bài viết của Hạ nghị sĩ Walden Bello thuộc Đảng Hành động Công dân Philippines trên mạng Kế hoạch nghiên cứu tập trung chính sách ngoại giao Mỹ ngày 18/3 đã “thêm bớt” để cho rằng, Philippines là bia ngắm số một của Trung Quốc và Manila sẽ bị Bắc Kinh nuốt chửng. Ngày 20/03, tờ Philippines Star dẫn cảnh báo của cựu Cố vấn An ninh quốc gia Philippines Roilo Golez: tàu cảnh sát biển và tàu hộ vệ Trung Quốc tiếp tục quanh quẩn ở gần bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) là một phần trong kế hoạch xâm lược bãi Cỏ Rong. Ông Roilo Golez dẫn báo cáo của Cục Quản lý thông tin năng lượng Mỹ cho biết, trữ lượng dầu mỏ ở bãi Cỏ Rong lên tới 5,4 tỉ thùng, cùng trữ lượng khí đốt lên tới 55,6 tỉ m3.

Cũng trong ngày 20/03, chuyên gia Australia Chí Vinh thuộc Trung tâm Nghiên cứu phát triển biển Trung Quốc cho rằng, về vị trí địa lý, bãi Cỏ Rong nằm trong “đường lưỡi bò” trên Biển Đông. Trước đó, quân đội Philippines từng cáo buộc, trong tháng 1, tàu Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng để xua đuổi tàu cá Philippines rời khỏi bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Ngày 10/03, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, Trung Quốc đe dọa 2 tàu của nước này khi tới gần khu vực bãi Cỏ Mây. Quân đội Philippines cho biết, họ phải sử dụng máy bay để thả hàng tiếp tế cho binh sĩ ở khu vực này. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chỉ trích việc đuổi tàu của Trung Quốc là hành động gây hấn.

Ngày 22/03, tờ Thời báo Hoàn Cầu đăng bài “Philippines biết Trung Quốc có tham vọng ở Biển Đông: năm 2020 xâm chiếm Trường Sa”. Trong khi đó, tờ Philippines Star dẫn một tài liệu độc lập cho biết, Trung Quốc có kế hoạch trước năm 2020 thông qua các phương thức để thực hiện kế hoạch xâm lược, đánh chiếm quần đảo Trường Sa. Được biết, ngày 30/03, Philippines sẽ chính thức nộp đơn lên Toà án trọng tài quốc tế kiện Trung Quốc về tranh chấp tại Biển Đông xung quanh “đường lưỡi bò”. Cơ quan Phòng vệ Đài Loan (MND) vừa công bố báo cáo khẳng định, mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc vẫn không giảm cho dù quan hệ đôi bờ đang ấm lên. Nhận định này được đưa ra sau khi MND trích nội dung một báo cáo nêu rõ: Trung Quốc tăng cường khả năng tác chiến đến mức có thể tấn công toàn diện Đài Loan trước năm 2020. Nếu bị tấn công trong bối cảnh không có sự hỗ trợ của Mỹ, Đài Loan chỉ có khả năng sống sót từ 2 tuần đến 1 tháng.

 

Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh

Theo Petrotimes

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.